Italia "quay lưng" với Vành đai và Con đường, chiến thắng cho Mỹ?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự tham gia của Italia vào công cụ chính sách đối ngoại hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Sáng kiến Vành đai và Con đường sắp kết thúc, với việc Rome dự kiến sẽ chấm dứt câu chuyện kéo dài 4 năm vào cuối năm nay.

Với việc chọn không gia hạn biên bản ghi nhớ đã ký vào năm 2019, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni sẽ đảm bảo không có quốc gia thành viên nào của cả Nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7) tham gia sáng kiến cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Italia Giorgia Meloni tại Nhà Trắng ở Washington vào cuối tháng Bảy. Ảnh: EPA-EFE
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Italia Giorgia Meloni tại Nhà Trắng ở Washington vào cuối tháng Bảy. Ảnh: EPA-EFE

Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto gọi quyết định tham gia sáng kiến này là “ngẫu hứng và tàn bạo”. Trong khi đó, bà Meloni dự kiến sẽ tới Bắc Kinh vào mùa Thu để giải thích trực tiếp quyết định này với ông Tập sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào tuần trước.

Các văn bản đã được chuẩn bị trong một thời gian. Ngay cả trong quá trình vận động tranh cử, bà Meloni đã mô tả quyết định tham gia là một “sai lầm lớn”. 

Quyết định này được đưa ra khi hầu hết Tây Âu đang cố gắng tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc. 

“Vấn đề đối với Italia lúc này là làm thế nào để thoát khỏi [Sáng kiến Vành đai và Con đường], vốn là một công cụ chính trị chứ không phải kinh tế, trong khi duy trì hoặc có thể tăng cường liên kết kinh tế với Trung Quốc. Đó là thách thức mà bà Meloni phải đối mặt,” Lorenzo Codogno, nhà kinh tế trưởng tại Bộ Kinh tế và Tài chính Italia từ năm 2006 đến 2015 cho biết.

Trên thực tế, Italia phải đối mặt với việc bị trừng phạt hai lần vì tham gia sáng kiến và không thu được bất kỳ lợi ích kinh tế nào mà nước này từng kỳ vọng.

“Kể từ khi Italia ký bản ghi nhớ, chúng tôi đã không nhận được bất kỳ lợi thế kinh tế đáng kể nào. Và hiện trong bối cảnh địa chính trị tổng thể, Italia sẽ phải rút lui, dù cho đây là quyết định rất khó khăn. Đầu tiên là mất uy tín đối với các nước phương Tây và hiện nay lại mất chữ tín trong mắt Trung Quốc,” Giuliano Noci, Phó Hiệu trưởng Đại học Politecnico di Milano và là cựu cố vấn cho chính phủ Italia về các vấn đề cơ sở hạ tầng, cho biết.

Chuyên gia Noci nói rằng việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường mà không có bất kỳ thỏa thuận phụ nào, chẳng hạn như giúp hàng hóa Italia tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc là “một sai lầm”. “Tại sao sản phẩm của Đức có thể tham gia thị trường còn sản phẩm của chúng tôi thì không?” 

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Italia Luigi Di Miao cho biết lý do tham gia là để tái cân bằng thâm hụt thương mại.

“Mục tiêu của chúng tôi với các hiệp định này là giải quyết sự mất cân bằng thương mại, trong đó có rất nhiều hàng "made in China" đến Italia và quá ít hàng "made in Italia" đến Trung Quốc," Di Maio cho biết thêm rằng ông kỳ vọng “Xuất khẩu tăng đáng kể và chúng ta có thể duy trì quan hệ thương mại cân bằng trong những năm tới”.

Đất nước này đã trải qua ba cuộc suy thoái trong một thập kỷ và "ghen tị" với Pháp và Đức, cả hai đều có mối quan hệ có lợi hơn nhiều với Bắc Kinh.

“Vào thời điểm đó, nhiều người Italia cảm thấy bị châu Âu bỏ rơi, trong khi chính phủ dân túy của nước này hoài nghi Liên minh châu Âu và sẵn sàng quay sang Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu đầu tư,” David Sacks, thành viên nghiên cứu về châu Á tại Hội đồng về châu Á, khẳng định. 

Dữ liệu cho thấy sự gia tăng trong thương mại nói chung, nhưng thâm hụt không được tái cân bằng, dòng đầu tư cũng không được duy trì.

Từ năm 2018, một năm trước khi cựu thủ tướng Giuseppe Conte đến Italia, đến năm 2022, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Italia đã giảm 81%, theo thống kê từ Rhodium Group. 

Tính toán dựa trên dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, lần đầu tiên trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Italia sang Trung Quốc cao hơn 31,7% so với cùng kỳ năm 2018, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 40,24%, khiến thâm hụt thương mại tăng thêm 55%.

Đối với Trung Quốc, việc để mất Italia – thành viên phương Tây giàu có nhất của Vành đai và Con đường, nút giao thông quan trọng trên Con đường Tơ lụa ban đầu – sẽ là một đòn giáng mang tính biểu tượng.

Bốn năm trước, ông Tập đã khẳng định rằng thỏa thuận này sẽ “canh tác mảnh đất quan hệ song phương và đảm bảo rằng nó có thể nở hoa tươi mới và phong phú hơn”.

Nhưng ngay cả khi đó, một thực tế địa chính trị mới đã bắt đầu xuất hiện. Mười một ngày trước khi thỏa thuận được ký kết, EU đã coi Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống” trong một bài báo nổi tiếng. Đại dịch coronavirus đã cận kề. Thêm vào đó là cuộc chiến của Nga với Ukraine, và mối quan hệ của châu Âu với Trung Quốc đã rơi vào vòng xoáy đi xuống.

Năm 2019, châu Âu bị kẹt giữa thế tiến thoái lưỡng nan khi tư duy mới của Trung Quốc xung đột quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Mặt khác, hiện tại châu Âu có mối quan hệ thân thiện hơn với chính quyền Biden. Francesca Ghiretti, nhà nghiên cứu về quan hệ kinh tế EU-Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, cho biết: “Một khi việc gia hạn bản ghi nhớ trở thành vấn đề công khai và quốc tế, Italia không thể tránh đưa ra một quyết định chính trị”. “Bắc Kinh coi quyết định của Italia không gia hạn Biên bản ghi nhớ là một chiến thắng cho Mỹ", nhà nghiên cứu này cho biết.