Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kết nối tư duy sáng tạo trong giới trẻ

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ba tổ chức của Liên Hợp quốc gồm: UNESCO, UNIDO và UN Habitat mới đây đã phối hợp tổ chức chuỗi hội thảo tham vấn trong khuôn khổ dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên phát triển Hà Nội thành Kinh đô Sáng tạo”.

Đánh giá chung cho thấy, từ khi Hà Nội tham gia vào mạng lưới các TP sáng tạo, giới trẻ Thủ đô đã phát huy những thế mạnh, sự nhạy bén khi tham gia vào quá trình xây dựng các không gian sáng tạo, qua đó cụ thể hóa chủ trương, chính sách, kế hoạch của TP Hà Nội.
Vai trò của tuổi trẻ

Từ khi tham gia vào mạng lưới TP sáng tạo, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hà Nội vẫn nỗ lực triển khai các hoạt động theo tiêu chí, lộ trình đã cam kết với UNESCO thông qua nhiều sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội; Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại; Trình diễn văn hóa phi vật thể; Lễ hội đường phố; Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa (Moonson), “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”, “Cuộc thi thiết kế Km0”. Trong hàng loạt các sự kiện kể trên, tuổi trẻ của TP Hà Nội đều tích cực tham gia vào quá trình tổ chức, thực hiện. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) quốc gia Việt Nam: "Việc huy động được giới trẻ tham gia đã tạo ra cách nhìn khác, cập nhật hơn với thế giới, khiến cho một dự án nói riêng hay cả đô thị trở nên hấp dẫn hơn”.
 Các chuyên gia tham vấn, đóng góp ý kiến vào dự án ''Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên phát triển Hà Nội thành Kinh đô Sáng tạo''. Ảnh: Lại Tấn
Theo nhiều chuyên gia, khi tham gia các hoạt động, giới trẻ đã đóng góp những góc nhìn, kiến thức khác nhau để tạo ra sự hấp dẫn, động lực cho sự phát triển của Thủ đô. Đơn cử như trong sự kiện “Tuần lễ sáng tạo Hà Nội”, giới trẻ, các nhóm sinh viên này biến các chủ đề khá quen thuộc với Hà Nội như Tháp rùa, Nhà hát lớn, cầu vượt, hầm chui đường bộ trở thành những tác phẩm nghệ thuật.
Thông qua các ý tưởng sáng tạo, giới trẻ đã biến những công trình vốn tẻ nhạt trở thành địa điểm hấp dẫn của Thủ đô. Hay, cuộc thi “Ký họa Văn Miếu – Quốc Tử Giám” dù mới được tổ chức lần đầu tiên nhưng đã thu hút lớn tác giả dự thi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của thế hệ trẻ với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thông qua đó, thế hệ trẻ có thêm một sân chơi để thỏa sức đam mê hội họa, góp phần vào việc bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
Cuộc thi cũng là hoạt động cụ thể góp phần biến Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo theo cam kết của Hà Nội với UNESCO về phát triển không gian sáng tạo. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Nếu chúng ta biết huy động sự quan tâm của giới trẻ vào các hoạt động sáng tạo thì sẽ tạo ra sự tái sinh của văn hóa, động lực mới để thu hút người dân, du khách”.
Giáo dục sáng tạo

Theo đại diện UNESCO, dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên phát triển Hà Nội thành Kinh đô Sáng tạo” có 3 hợp phần chính gồm: Tái tạo đô thị, giáo dục sáng tạo và nguồn lực văn hóa. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh đặc biệt vào tầm quan trọng của hợp phần “Giáo dục sáng tạo”, bởi Hà Nội chỉ có thể phát triển được sự sáng tạo khi đẩy mạnh giáo dục về sáng tạo.
Tuy nhiên, một trong những điểm yếu hiện nay trong việc này là chưa tạo ra nhiều năng lượng sáng tạo với học sinh, sinh viên. Trong trường học, học viên vẫn được giảng dạy theo hướng thầy đọc, trò chép, giáo viên giảng gì học sinh học theo, dẫn đến sự nhàm chán. Thực tế này đòi hỏi nếu muốn có động lực mới trong phát triển phải thay đổi mô hình, cách thức giáo dục sang giáo dục sáng tạo.
“Khi xây dựng TP sáng tạo, chúng ta cũng mong muốn thay đổi giáo dục sáng tạo. Vì vậy, 2 vấn đề này phải song hành và tạo điều kiện cho nhau. Giáo dục sáng tạo có thể bằng nhiều cách, qua nghệ thuật, qua áp dụng công nghệ… song điểm then chốt là tạo ra con người biết, đam mê với sáng tạo, khao khát sáng tạo” – PGS. TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Khi tạo ra được lớp thế hệ trẻ khát khao sáng tạo, hàng triệu người bao gồm cư dân Hà Nội và khách du lịch không chỉ tiếp cận với các di tích, lịch sử ngàn năm văn hiến mà còn có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và nền tảng văn hóa sáng tạo mới.
Đồng thời, môi trường hợp tác các bên được thiết lập sẽ tạo ra môi trường lấy giới trẻ làm trung tâm trong ngành công nghiệp sáng tạo. Các tài năng sáng tạo Việt Nam, đặc biệt là các nhà sáng tạo trẻ được trao quyền để đóng góp và tác động vào những chương trình phát triển của TP Hà Nội.