Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khắc phục tồn tại trong quản lý chợ

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư, quản lý chợ truyền thống là một trong những vấn đề được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại đang phải tập trung tháo gỡ.

Vẫn còn bất cập

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn TP hiện có 454 chợ truyền thống. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra một số chợ trên địa bàn TP và hướng dẫn các quận, huyện, thị xã kiểm tra chợ hạng 2, hạng 3 theo phân cấp. Qua kiểm tra và tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, có 310/454 chợ được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng. Trong số 144 chợ chưa được phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng có 128 chợ lán tạm, 16 chợ bán kiên cố do UBND các xã, phường giao các tổ quản lý chợ quản lý, chủ yếu là các chợ họp theo phiên.

Chợ Cửa Nam sau khi được xây dựng.  Ảnh: Hiền Nhân

Theo đề xuất mới nhất của cấp quận, huyện, trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ nâng cấp cải tạo 302 chợ, sử dụng vốn ngân sách khoảng 2.490 tỷ đồng. UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan vấn đề đầu tư và quản lý phát triển chợ, các cơ sở chế biến, rà soát công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), VSMT, các chương trình quản lý chợ, vệ sinh ATTP, thu phí chợ theo giám sát của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.

Tuy nhiên, tại phiên chất vấn của HĐND TP vừa qua, một số hạn chế tồn tại cũng được chỉ ra, như quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai minh bạch, công tác chỉ đạo ATTP còn hạn chế. Kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp chợ bằng nguồn ngân sách còn khó khăn, chưa thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia khai thác…

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, việc chuyển đổi mô hình chợ đã được thực hiện từ năm 2011 - 2012, nhưng hiệu quả còn thấp. Hiện nay, có 20 quận, huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi với 302 chợ xin kế hoạch đầu tư đến năm 2020, đây là việc làm rất cố gắng. Nguyên nhân việc chuyển đổi chậm là do còn 128 chợ tạm.

Khắc phục tồn tại

Trước những tồn tại trong các chợ truyền thống, TP đã có Văn bản số 2179 ngày 9/5/2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép sử dụng ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn. Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP tiếp tục giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã để tham mưu UBND TP các giải pháp và cơ chế thu hút, khuyến khích kết hợp hài hòa, hiệu quả các nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ, đặc biệt là các chợ đang xuống cấp nghiêm trọng. Đồng thời tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn.

TP cũng ưu tiên xây dựng chợ theo mô hình chợ truyền thống và giao Sở QH-KT nghiên cứu, đề xuất thiết kế mẫu một số loại hình chợ làm cơ sở hướng dẫn công tác đầu tư, xây dựng chợ thống nhất. Đồng thời, xem xét thu hồi các dự án chậm triển khai do chủ đầu tư hạn chế năng lực và vi phạm quy định để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện. Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai vận động các hộ kinh doanh thực hiện phong trào “Chợ - An toàn, Văn minh, Hiệu quả” để nâng cao tinh thần phục vụ của hộ kinh doanh, nâng cao văn minh thương mại tại chợ truyền thống, góp phần thu hút người dân quay lại chợ truyền thống mua sắm. Đồng thời, chỉ đạo rà soát và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn TP. Trong đó, có quy hoạch mạng lưới chợ đảm bảo sự đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội… Yêu cầu các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động của các hạng chợ trên địa bàn...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết: Công tác quản lý chợ được TP coi là một yêu cầu, mục tiêu quan trọng trong việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo việc làm, môi trường cho các hộ kinh doanh, bảo đảm nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Nhu cầu hàng hóa qua các chợ dân sinh chiếm 50 - 60% nhu cầu thiết yếu của người dân nên phải tăng cường quản lý chợ. TP đã triển khai đồng bộ các quy định của Chính phủ, nhưng một số đầu việc triển khai còn chậm. Vì vậy, các ngành, các cấp vẫn cần phải có thêm thông tin và định hướng để triển khai công việc hiệu quả hơn.

Quy hoạch chợ nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ được TP phê duyệt. Sau 5 năm, nếu quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu hoặc cần điều chỉnh thì TP sẽ thực hiện điều chỉnh. TP đã giao Sở Công Thương tổng hợp và cùng các ngành khác rà soát lại để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Doãn Toản Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội


UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện xây dựng xong kế hoạch chuyển đổi mô hình chợ trong tháng 8/2017; các sở, ngành thẩm định trong tháng 9 và trình TP trong tháng 10 tới để ra quyết định.

Ông Lê Hồng Thăng Giám đốc Sở Công Thương