Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai thác hiệu quả nguồn lực từ làng nghề

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Làng nghề được TP Hà Nội xác định là nguồn lực quan trọng, cần được khai thác hiệu quả để góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống cho người dân.

Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, toàn TP hiện có 274 làng được công nhận là làng nghề và 48 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã.

Khách du lịch lưu giữ khoảnh khắc đẹp tại điểm check-in làng hương Quảng Phú Cầu. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên
Khách du lịch lưu giữ khoảnh khắc đẹp tại điểm check-in làng hương Quảng Phú Cầu. Ảnh: Đoàn Thảo Nguyên

Làng nghề Hà Nội tập trung vào 6 nhóm nghề: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn có khoảng 500 làng có nghề đang hoạt động.

Trong những năm qua, các làng nghề đã có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là mặc dù nguồn lực làng nghề Hà Nội là khá lớn, song nhiều địa phương chưa khai thác hết thế mạnh, tiềm năng. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đánh giá, nhiều làng nghề đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất, sản phẩm cũng đa dạng hơn, nhưng chất lượng, mẫu mã cũng như công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế. Đặc biệt, không gian cho các làng nghề phát triển đang là bài toán cần được giải quyết sớm, bởi hầu hết các làng nghề nằm trong khu dân cư.

Bên cạnh đó, chuỗi liên kết giá trị của nhiều làng nghề còn hạn chế, cơ sở hạ tầng và công nghệ chưa theo kịp yêu cầu phát triển. TP cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề nhưng còn nhỏ lẻ, lồng ghép, thiếu chiến lược phát triển tổng thể dài hạn, ít nhất là trong 10 năm tới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Dự thảo đề cương xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong đó, tập trung bảo tồn và phát huy giá trị, tôn vinh nghệ nhân; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển nghề mới; phát triển các làng nghề chủ lực gắn với tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát triển các dịch vụ hỗ trợ và nâng cao vai trò của tác nhân liên quan…

Công đoạn xe tơ, guồng tơ tại làng nghề dệt truyền thống Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Hữu Trường
Công đoạn xe tơ, guồng tơ tại làng nghề dệt truyền thống Phùng Xá, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Hữu Trường

Tại hội thảo góp ý vào dự thảo đề cương xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP giai đoạn 2024 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050” do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức mới đây (ngày 17/6), đại diện các quận, huyện, thị xã; các sở, ngành và nhà khoa học đóng góp nhiều ý kiến xây dựng dự thảo đề án.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Bùi Hồng Hà, ngân sách TP và thị xã Sơn Tây chưa hỗ trợ nhiều cho các làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ở đề án này, rất cần đưa thêm hỗ trợ cho các làng nghề. Đặc biệt, cần có thêm danh mục công nhận nghệ nhân lĩnh vực ẩm thực. Hiện, thị xã Sơn Tây có nhiều người làm bánh tẻ, chè lam, kẹo lạc, tương truyền thống... rất giỏi nhưng chưa đủ điều kiện được xét công nhận.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, Hà Nội có nhiều làng nghề, trong đề án cần có sự phân nhóm rõ từng nghề để có cơ chế phù hợp từng đối tượng, như: nhóm các làng nghề chế biến nông sản; nhóm các làng nghề dệt may, nhóm các làng nghề sản xuất đồ gỗ, hàng cơ kim khí; hàng thủ công mỹ nghệ…

Một số nghề như thêu không gây ô nhiễm môi trường, không cần diện tích sản xuất lớn thì không nhất thiết phải đưa ra xa khu dân cư để tiết kiệm chi phí và thuận lợi cho người sản xuất. Những làng nghề thủ công mỹ nghệ như dát vàng, bạc quỳ, vuốt gốm không nhất thiết phải ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Năm 2024 là năm bản lề để Hà Nội thực hiện các mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đề ra. Đối với vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã nhấn mạnh vào 3 nguồn lực chính là: hợp tác xã, kinh tế trang trại và làng nghề. Vì vậy, với thế mạnh về làng nghề, Hà Nội hoàn toàn có thể thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển nhanh hơn nữa.

 

Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội trước ngày 30/9/2024 để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua. Đây sẽ là những căn cứ quan trọng để Hà Nội khai thác hiệu quả nguồn lực từ các làng nghề, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại