Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình chủ động, khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.
Khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 10/4/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thông báo nêu: Vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước với hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng và cả nước. Vùng là nơi tập trung nguồn lực lớn nhất và có trình độ phát triển đứng đầu cả nước, là nền tảng quan trọng cho đột phá phát triển trong giai đoạn tới. Thường trực Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình lập, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch vùng Đông Nam Bộ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Để sớm hoàn thiện nội dung Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, tiếp thu các ý kiến của Thường trực Chính phủ và các đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Trong đó, Thường trực Chính phủ lưu ý rà soát nội dung quy hoạch vùng Đông Nam Bộ bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07 tháng 10 năm 2022, Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vùng và các địa phương trong vùng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. 

Đồng thời, làm sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ đối với quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng; xác định rõ điểm nghẽn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong thời gian vừa qua để có giải pháp phù hợp, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể mang tính đột phá để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại quy hoạch vùng. 

Thường trực Chính phủ yêu cầu một số nội dung cụ thể cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch vùng: Nghiên cứu, bố trí nội dung quy hoạch rõ ràng, mạch lạc hơn theo tổ chức các không gian (giao thông, văn hóa, các dòng sông, phát triển, khoa học và đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, ngầm…), trong đó lưu ý một số không gian: Không gian phát triển giao thông hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, có tầm nhìn xa, lưu ý đối với bến cảng trung chuyển Cần Giờ trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư, nghiên cứu xem xét lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có năng lực kinh nghiệm, đầu tư tổng thể nhằm phát huy tối đa năng lực khai thác của hệ thống cảng biển, cạnh tranh lành mạnh với các cảng biển trong khu vực và vùng Đông Nam Á; Không gian phát triển đô thị mang tính bền vững, gắn với môi trường sinh thái; Không gian phát triển giáo dục hướng tới phát triển các trường đại học mang tầm cỡ quốc tế… 

Nghiên cứu, bổ sung giải pháp, phương án cụ thể cho việc phát triển liên kết vùng, có giải pháp rõ ràng, hiệu quả tập trung đầu tư các thiết chế, công trình văn hóa mang tầm khu vực và thế giới để cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/02/2022 của Bộ Chính trị[1xứng tầm với vị trí trung tâm của kinh tế, văn hóa - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như của vùng Đông Nam Bộ. 

Làm rõ thêm cơ cấu phát triển của 02 hành lang xanh - sinh thái gắn với các lưu vực sông, vùng động lực quốc gia với Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng. 

Nghiên cứu, làm rõ thêm vị trí, vai trò động lực của "Đô thị sân bay Long Thành" trong khu vực, là đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, cùng với các đô thị Nhơn Trạch, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu thành cụm đô thị cửa ngõ của vùng kết nối với quốc tế cả về đường không và đường biển. 

Đẩy mạnh, tăng cường nguồn lực từ hợp tác công tư, xã hội hóa; tập trung khai thác các nguồn lực đất đai, tài nguyên, con người. 

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ sau khi được phê duyệt thực hiện công bố theo quy định, làm tốt công tác truyền thông đến các cơ quan, người dân để biết, thực hiện.

Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình chủ động, khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch chuyên ngành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4 năm 2024.