Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường sắt đô thị

Khẳng định vị trí “xương sống” của giao thông Thủ đô

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra đời muộn, chưa hoàn thiện toàn bộ hệ thống, thế nhưng đường sắt đô thị (ĐSĐT) đã trở thành phương tiện đi lại chính của hàng chục nghìn người dân Thủ đô mỗi ngày.

Bằng tính ưu việt, chính xác về thời gian và công tác vận hành chuyên nghiệp, ĐSĐT đang ngày càng được người dân Thủ đô ưa chuộng, chắc chắn trong tương lai không xa loại hình vận tải này sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị.

Chiếm được ưu thế

Tháng 3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 519/QĐ - TTg, phê duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài 413km, tạo nên các trục vận tải công cộng khối lượng lớn kết nối tổng thể mọi cửa ngõ với trung tâm Thủ đô; bảo đảm năng lực vận chuyển cho những khu vực tiềm năng như Sân bay Nội Bài, Vành đai 3, Vành đai 4…

Căn cứ thực tế phát triển của TP cũng như kinh nghiệm quốc tế, nhằm nâng cao năng lực của ĐSĐT tương xứng với vị thế, quy mô của Thủ đô, TP Hà Nội đã tiếp tục nghiên cứu, lên kế hoạch bổ sung thêm 5 tuyến ĐSĐT mới, nâng tổng số lên 15 tuyến với hơn 600km, phấn đấu hoàn thành vào năm 2045.

Ngày 6/11/2021, tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước, tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành, khai thác thương mại. Đến nay. sau gần 3 năm “hòa mạng” vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã cho thấy hiệu quả bất ngờ, khẳng định được niềm tin đối với Nhân dân Thủ đô, lan tỏa kỳ vọng ra khắp các đô thị trong cả nước.

Với sự hoài nghi ban đầu của người dân về năng lực vận hành, đến nay, mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt hành khách sử dụng tàu điện làm phương tiện đi lại chính. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, ngay những ngày đầu vận hành khai thác thương mại vào đầu tháng 8/2024 vừa qua đã thu hút lượng hành khách kỷ lục trải nghiệm và đi lại.

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vừa đưa vào khai thác. Ảnh: Phạm Hùng
Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao vừa đưa vào khai thác. Ảnh: Phạm Hùng

Có thể khẳng định, chưa khi nào một loại hình VTHKCC lại được đón nhận và nhanh chóng chiếm được niềm tin của người dân đến thế. Hiệu quả của ĐSĐT đã lan tỏa từ Hà Nội ra cả Vùng Thủ đô và xa hơn nữa là cả nước.
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Tiếp nối thành công của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đã có màn ra mắt ấn tượng, an toàn và hấp dẫn người dân với kỷ lục vận tải hành khách hơn 100.000 lượt/ngày”.

Theo vị chuyên gia này, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy, ĐSĐT cực kỳ ưu việt so với mọi loại hình vận tải công cộng khác nhờ hạ tầng riêng trên cao hoặc dưới thấp, tránh tuyệt đối mọi tình huống ùn tắc giao thông. Tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đi qua 11 trường đại học bao gồm: Đại học Công nghiệp Hà Nội; Đại học Thương mại; Đại học Sư phạm Hà Nội; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học GTVT và 6 trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội là Đại học Ngoại ngữ; Đại học Kinh tế; Đại học Y dược; Đại học Giáo dục; Đại học Luật cùng nhiều khu đô thị, tòa nhà văn phòng lớn, tạo tiền đề cho việc đông đúc hành khách sử dụng làm phương tiện đi lại hàng ngày.

Chất lượng làm nên thành công

Bên cạnh tính ưu việt khi di chuyển nhanh, đúng giờ với không gian lưu thông riêng, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội cũng cho thấy sự chuyên nghiệp trong công tác vận hành ngay từ những chuyến tàu đầu tiên.

Sau gần một tháng đi vào hoạt động đoạn tuyến trên cao, với hàng nghìn chuyến tàu được vận hành không xảy ra sự cố. Nhiều thời điểm khách dồn ứ, đơn vị vận hành vẫn bảo đảm an toàn cho khách, điều phối tốt, không xảy ra chen lấn, rủi ro. Hệ thống kỹ thuật tại các nhà ga hoạt động tốt. Điều đó cũng cho thấy Hanoi Metro đã làm rất tốt công tác tiếp nhận, quản lý, vận hành đoạn tuyến Nhổn - Cầu Giấy.

Đông đảo người dân cũng đánh giá rất cao công tác điều hành, chạy tàu của Hanoi Metro. Ông Vũ Ngọc Long trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: “Từ những ngày đầu vận hành, các nhà ga đều đông nghẹt khách lên xuống nhưng nhân viên đường sắt đã cho thấy sự chuyên nghiệp khi điều tiết tốt. Tôi không có gì để phàn nàn về dịch vụ của tuyến ĐSĐT này”.

Tương tự, chị Trần Hồng Nhung trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay: “Những ngày đầu vận hành, nhìn lượng khách ken cứng tại các ga mà tôi cũng thấy lo lắng. Tuy nhiên, bằng sự điều hành của nhân viên nhà ga cũng như ý thức tham gia giao thông công cộng của người dân ngày một nâng cao, tôi thấy rất thoải mái di chuyển bằng tàu điện dù đông khách”.

Gần một tháng qua, tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đã trở thành phương tiện đi lại chính của chị Trần Hồng Nhung tới công ty ở quận Cầu Giấy. Chị cho rằng, việc di chuyển bằng tàu điện rất tiện lợi, tiết kiệm rất nhiều tiền bạc và thời gian.

“Trước đây, mỗi tháng tôi mất khoảng 2 triệu đồng tiền xăng xe, tiền gửi ô tô thế nhưng giờ đi tàu điện chỉ mất 200 nghìn đồng. Mỗi ngày cũng tiết kiệm 1 giờ đồng hồ cho việc đi lại. Quả thực, đây là phương tiện có thể nói là nhanh và rẻ lại sạch sẽ, hiện đại nhất trên đường phố Hà Nội hiện nay” – chị Trần Hồng Nhung chia sẻ.

 

Ban lãnh đạo Công ty những ngày qua 100% đều lên tuyến để chỉ đạo, hỗ trợ anh em. Trước áp lực khách đông, Hanoi Metro vẫn đáp ứng tốt, tập trung cao độ, vận hành bài bản, chính xác, an toàn. Đoạn tuyến ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy sẽ hút khách trong thời gian tới đồng nghĩa với công việc vất vả, khó khăn hơn. Tuy nhiên tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Hanoi Metro đã được đào tạo, rèn luyện tốt, có kinh nghiệm và sẽ luôn đáp ứng 100% yêu cầu công việc.
TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội