Khánh Hòa: Không kham nổi chi phí xăng dầu, nhiều tàu cá bỏ… biển

TRUNG VŨ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hằng trăm tàu đánh bắt xa bờ quyết định bỏ biển do giá xăng dầu leo thang. Nhiều ngư dân cho biết nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ bỏ nghề.

Chi phí đi biển tăng gấp đôi

Ngày 4/3, trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, ông Mai Thành Phúc - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, hiện giá xăng dầu liên tục tăng khiến các thuyền đánh bắt xa bờ đang gặp khó và không muốn bám biển vì nguy cơ thua lỗ rất lớn.

Hơn 200 tàu cá các loại nằm tại cảng Hòn Rớ do giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh: Trung Vũ).
Hơn 200 tàu cá các loại nằm tại cảng Hòn Rớ do giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh: Trung Vũ).

Ông Phúc cho biết, ông có hai tàu đánh bắt xa bờ công suất 400CV. Nếu chuyến biển (khoảng 20 ngày) trước đây chỉ tốn khoảng 90 triệu đồng/chuyến gồm tiền nhiên liệu, lương thực... thì nay đã tăng khoảng 140 triệu đồng/chuyến.

“Giá xăng dầu tăng khiến giá cả leo thang khiến nghề biển ngày càng chật vật. Nếu chuyến biển nào trúng cá và được giá thì có lời ít đồng chia cho bạn biển (người đi biển cùng chủ tàu – PV). Còn nếu giá cá rớt và không đạt sản lượng xem như lỗ nặng” – ông Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Chiến (tàu 450CV đánh bắt cá ngừ sọc dưa) vừa cập cảng Hòn Rớ (TP Nha Trang - Khánh Hòa) sau chuyến đánh bắt kéo dài hơn hai tuần cho biết, chuyến biển này ông được hơn 3 tấn cá, bán chừng hơn 100 triệu đồng xem như lỗ gần trăm triệu đồng.

Ông Chiến cho biết, trước khi vươn khơi bám biển ông mua khoảng 4.000 lít dầu, 600 cây đá trữ đông, thức ăn, thuốc men... tốn gần 200 triệu đồng cho chuyến đi. “Cách đây mấy năm cá ngừ sọc dưa có giá hơn 30 nghìn đồng/kg mà giờ chỉ còn hơn 20 nghìn đồng/kg đó là chưa kể sản lượng đánh bắt ngày càng sụt giảm, trong khi giá nhiên liệu thì cao nhất từ trước đến nay nên cứ đi là lỗ” - ông Chiến cho biết.

Ngư dân Trần Thanh Long cho biết ông quyết định cho tàu nằm bờ vì sợ lỗ khi giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh: Trung Vũ).
Ngư dân Trần Thanh Long cho biết ông quyết định cho tàu nằm bờ vì sợ lỗ khi giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh: Trung Vũ).

Ngư dân Trần Thanh Long có 18 năm bám biển cho biết, hồi tháng 1/2022, giá dầu diesel 0.05S khoảng hơn 18.000 đồng/lít sau đó liên tục tăng đến hơn 21.000 đồng. “Chưa bao giờ giá dầu cao như vậy nên tôi quyết định cho 3 tàu cá nằm bờ, vì 10 tàu đi biển thì hết 7-8 tàu báo lỗ vì gánh không nổi giá nguyên liệu” – ông Long cho biết.

Theo các ngư dân tại cảng cá Hòn Rớ - Cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ, từ ngày 1/3 dầu diesel 0.05S có giá 21.310 đồng/lít, mức giá cao nhất từ trước tới nay. Việc giá xăng dầu nhảy vọt khiến nhiều ngư dân quyết định cho tàu nằm bờ tại cảng Hòn Rớ nhiều ngày qua.

Cần bình ổn giá dầu 

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết, do giá xăng dầu tăng nên tại cảng có xuất hiện tình trạng tàu cá nằm bờ không vươn khơi, bám biển.

“Toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 3.400 tàu, trong đó có 734 tàu đánh bắt xa bờ (tàu trên 15m – PV) thì hiện nay có khoảng 200 tàu các loại đang neo đậu tại cảng (sức chứa cảng và khu neo đậu khoảng 1.500 tàu - PV). Hiện có một số tàu đang đánh bắt xa bờ nhưng với giá xăng dầu hiện nay nhiều khả năng xong chuyến biển này họ sẽ nằm bờ vì nguy cơ lỗ rất cao” – ông Hiếu cho hay.

Ngư dân mong được bình ổn giá dầu và đảm bảo giá cá để tiếp tục vươn khơi, bám biển. (Ảnh: Trung Vũ)
Ngư dân mong được bình ổn giá dầu và đảm bảo giá cá để tiếp tục vươn khơi, bám biển. (Ảnh: Trung Vũ)

Để ngư dân tiếp tục bám biển, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng cho rằng, trước đây Chính phủ có Nghị định 48 hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, trong đó có hỗ trợ dầu theo chuyến và chi trả 3 tháng/lần.

“Tàu tôi 400CV được hỗ trợ 75 triệu đồng/quý. Nhưng năm 2021, phải đến cuối năm tôi mới nhận được tiền quý II,III và IV. Với các tàu đánh bắt xa bờ hầu hết đều nợ tiền dầu khoảng hơn 100 triệu đồng/tàu. Nếu tiền hỗ trợ theo Nghị định 48 về hàng quý thì chúng tôi cũng xoay sở được phần nào. Còn dồn lại cuối năm thì sẽ phát sinh thêm lãi và nợ, khó chồng khó” – ông Phúc nói.

Do đó, theo ông Phúc, cần hỗ trợ ngư dân hàng quý như trước đây để yên tâm bám biển. “Tôi cho rằng, một giải pháp khác là cơ quan chức năng cần bình ổn giá dầu và đảm bảo giá cá thu mua từ các doanh nghiệp. Hiện giá cá ngừ đại dương hơn 150.000 đồng/kg mới tạo động lực cho người dân bám biển dù giá dầu tăng cao. Nếu giá cá về lại 110.000 – 120.000 đồng/kg như trước đây chắc chắn sẽ có hàng loạt tàu thuyền bỏ nghề câu cá ngừ và bỏ biển” – ông Phúc nhận định.

Các ngư dân khác cũng cho rằng, nếu không bình ổn giá xăng đầu, Nhà nước, Chính phủ nên xem xét có chính sách hỗ trợ cho ngư dân để yên tâm bám biển, vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền trong giai đoạn này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần