Nguyên nhân các chỉ tiêu kinh tế không đạt
Trong phiên thảo luận chiều 17/12 tại Kỳ họp 9 khóa IX HĐND TP Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đại biểu đã tập trung phân tích nguyên nhân các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) của Đà Nẵng không đạt. Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng khâu giải tỏa đền bù chính là “điểm nghẽn” dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai, vốn giải ngân thấp, không tạo ra động lực tăng trưởng KT-XH cho TP Đà Nẵng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, Đà Nẵng có 5/11 chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch năm, trong đó nổi bật là việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt. Nguyên nhân do công tác giải tỏa đền bù triển khai chậm, chủ đầu tư, tư vấn hạn chế về năng lực, thủ tục rườm rà.
Đại biểu Trần Đình Hồng phân tích: Chính sách giải tỏa đền bù không còn phù hợp dẫn đến việc tạo mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai thêm nhiều dự án là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đơn cử như dự án Nhà máy nước Hòa Liên đã bỏ phí thời gian 6 năm, hiện nay đã rất gấp. Có nhiều phương thức kêu gọi nguồn vốn đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, nhưng trong bối cảnh hiện nay chỉ còn lựa chọn đầu tư công, mà đầu tư công đồng nghĩa với thủ tục, mặt bằng, nguồn vốn giải ngân đang là điểm nghẽn.
Đại biểu Nguyễn Thành Tiến phân tích thêm: Công tác thu hồi đất, giải tỏa đền bù thời gian qua ách tắc, dẫn đến các dự án triển khai chậm. Theo kế hoạch năm 2018, trong số 267 dự án đang triển khai dở dang, kế hoạch tập trung giải tỏa 120 dự án, nhưng kết quả đến cuối năm chỉ đạt được 40 dự án. Giải tỏa chậm, dẫn đến giải ngân thấp, hiệu quả đầu tư công thấp, không có động lực tăng trưởng, phát triển. Việc thu hồi đất triển khai các dự án trên địa bàn TP khá dàn trải, số lượng dự án đưa ra nhiều mà không tương ứng được với năng lực triển khai, từ đó nhiều dự án dang dở.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung cũng cho rằng, khâu giải tỏa đền bù đang là “điểm nghẽn” trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Theo ông Trung, điểm nghẽn này đang đặt ra 2 vấn đề cần giải quyết, đó là các dự án trước đây có chủ trương chung, giờ không thể có chủ trương khác được, như vậy không công bằng. Với các dự án về sau này thì cần rà soát lại và phải có giải pháp mới.
“Việc giải tỏa đền bù hiện nay đã giao cho chủ tịch các quận huyện, vì thế phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng. Cần đưa công tác giải tỏa đền bù vào tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo của chủ tịch các quận huyện”, ông Nguyễn Nho Trung nhấn mạnh.
Giải pháp thu hút đầu tư
Tại phiên thảo luận, các đại biểu còn kiến nghị những giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư, thu ngân sách cho TP Đà Nẵng.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Trị, đẩy mạnh thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Hiện nay, mô hình và hoạt động của cơ quan xúc tiến đầu tư chưa thực sự hiệu quả. Kết quả thu hút đầu tư trong năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018 quá nhỏ so với tiềm năng của Đà Nẵng. Vì thế, ông Trị cho rằng, Đà Nẵng muốn thu hút đầu tư tốt thì phải tạo sự khác biệt bởi hiện nay nhiều địa phương đều đẩy mạnh thu hút đầu tư.
“Đà Nẵng cần có cơ quan đủ mạnh để thu hút đầu tư và hỗ trợ DN; có kế hoạch cụ thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư. Đặc biệt, Đà Nẵng phải có sự kết nối các DN với các trường đào tạo vì hệ thống đào tạo của Đà Nẵng đa dạng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần có chính sách ưu tiên đào tạo tiếng Anh để khơi dậy phong trào học tiếng Anh trên toàn TP, đồng thời hoàn thiện hơn hệ thống hạ tầng y tế, giáo dục, giải trí, thương mại, giao thông… một cách đồng bộ, hiện đại”, đại biểu Nguyễn Quốc Trị kiến nghị.
Liên quan tới chỉ tiêu thu ngân sách nội địa chỉ đạt 92%, Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung đặt vấn đề: 200 DN của Đà Nẵng đóng góp vào nguồn thu ngân sách gần 80%, còn 26 ngàn DN chỉ đóng góp khoảng 20%. Vậy do DN tiềm lực nhỏ hay việc thu ngân sách chỗ này còn bỏ ngỏ?
Tương tự, TP có 550 DN FDI, trong đó 100 DN đã đóng góp trên 90% nguồn thu ngân sách, 450 DN FDI còn lại chưa tới 10%. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục thuế Đà Nẵng giải thích, trên địa bàn Đà Nẵng 98% DN nhỏ và siêu nhỏ, do vậy nguồn thu ngân sách chính cũng phải dựa vào khoảng 200 DN lớn. Với các DN FDI, nếu DN nào sản xuất hàng hóa tiêu dùng bán trong nước thì có đóng góp vào ngân sách còn xuất khẩu ra nước ngoài thì thuế 0%.