Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi “bắt cóc” trở thành hội chứng

Đông Phong - Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, những thông tin thất thiệt về việc thôi miên, bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội đang thu hút được sự quan tâm rất lớn trên cộng đồng mạng xã hội.

Dường như thông qua đó, một số người dân vùng thôn quê thiếu hiểu biết pháp luật đang bị ám ảnh, chỉ cần vài cử chỉ được cho là bất thường của người lạ mặt là sẵn sàng quy chụp họ về hành vi bắt cóc trẻ em.
Nghi "bắt cóc" là hành hung
Ngày 5/7, 2 người đàn ông đi phun thuốc diệt muỗi đã bị người dân phường Quảng Phong (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) vây bắt, hành hung khiến họ phải nhập viện điều trị. Tiếp đến, ngày 15/7, người dân tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn lại hành hung một nạn nhân khác, sau đó được công an địa phương xác định nạn nhân là người có bệnh tâm thần.

Một số người dân quá khích lật, đốt xe ô tô vì nghi bắt cóc trẻ em tại Hải Dương.

Chiều tối 20/7, một sự việc tương tự nhưng nghiêm trọng hơn đã xảy ra tại xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Do nghi ngờ có hành vi thôi miên phụ nữ để bắt cóc trẻ em, người dân bị kích động đã lật, thiêu rụi xe ô tô của 2 nam thanh niên lạ mặt. Công an huyện Thanh Hà đã làm rõ và thông tin chính thức vụ việc. Theo đó, 2 người đàn ông được xác định rõ danh tính, làm việc tại một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Khi họ tìm hiểu mua đồ mộc, một phụ nữ tại xã Tân Việt tiếp chuyện cảm thấy chóng mặt, nghĩ mình bị thôi miên như một số thông tin đã đọc trên mạng xã hội nên chạy ra ngoài tri hô khiến sự việc sau đó hỗn loạn, mất kiểm soát.
Gần đây nhất, ngày 22/7, chị Lê Thị Bảy (SN 1977, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và chị Nguyễn Thị Phúc (SN 1965 ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để bán tăm bông cũng bị người dân hành hung vì nghi bắt cóc trẻ em. Công an huyện Sóc Sơn đã xác định, chị Bảy và chị Phúc không có hành vi bắt cóc trẻ em… Trước những sự việc xảy ra, lực lượng công an địa phương sau khi xác minh, làm rõ đều tiếp tục điều tra những đối tượng hành hung người trái phép để xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tuy nhiên, việc tuyên truyền để người dân hiểu, hành xử đúng pháp luật đang là bài toán chưa có lời giải cho chính quyền địa phương.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Tiến sỹ - Luật sư Nguyễn An, Hãng luật Cộng đồng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng: Hành vi của những người dân trong việc giữ, hành hung, phá hoại tài sản người bị nghi oan bắt cóc trẻ em nếu xét thấy có tính chất nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tùy vào mức độ của từng hành vi sẽ có mức xử phạt tương ứng, mức phạt tiền cao nhất lên đến 3 triệu đồng. Trường hợp các hành vi nêu trên nếu có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Khi đó, các đối tượng này có thể đối mặt với các tội danh: Gây rối trật tự công cộng; cố ý gây thương tích; làm nhục người khác; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tùy theo mức độ, tính chất, hậu quả của vụ việc sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt từ vài tháng đến hàng chục năm tù giam.
Đối với hành vi cố tình đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội gây mất an ninh, trật tự xã hội, người vi phạm có thể bị xử phạt theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính đối với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc... với mức tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 122, Bộ luật Hình sự với mức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Nghiên cứu về tâm lý, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) nêu quan điểm: Việc người dân quá khích, tự xử là biểu hiện của yếu tố lây lan tâm lý đám đông, có hiệu ứng từ mặt trái của mạng xã hội. Hiện tượng tâm lý đám đông có ở mọi lứa tuổi, song ở lứa tuổi còn trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều, lập trường tư tưởng chưa vững, chính kiến chưa thực sự ổn định, thì tâm lý đám đông có tác động mạnh hơn. Tâm lý này tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc chúng ta biết khai thác nó ở khía cạnh nào, nhằm mục đích gì. Nếu sử dụng tâm lý đám đông để khuyến khích mọi người tham gia làm việc thiện, việc có ích cho cộng đồng, xã hội, thì là tốt. Ngược lại, lợi dụng nó để lôi kéo mọi người trong đám đông làm vịêc xấu, thì lại trở thành xấu.
Để ngăn ngừa hiện tượng trên, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải có biện pháp tuyên truyền để người dân biết thượng tôn pháp luật. Đồng thời, những sự việc xảy ra làm mất an ninh trật tự trong xã hội phải được cơ quan pháp luật xử lý kịp thời, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người dân.
Tính riêng trong tháng 7/2017, đã có 7 nạn nhân bị hành hung tại nhiều địa phương bởi bị gán oan tội danh “bắt cóc trẻ em”. Trước sự lan tỏa chóng mặt của mạng xã hội, thông tin được thổi phồng khiến một số người dân, đặc biệt tại các vùng thôn quê đang bị ám ảnh trở thành hội chứng... “bắt cóc”.