Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi các Đại sứ du xuân ở chùa Tây Phương

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm chùa Tây Phương trong chương trình Du xuân hữu nghị 2017 tại Hà Nội đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các nhà ngoại giao tham gia.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp huyện ủy và UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức chương trình. 

Chuyến đi có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu đến từ một số bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội, cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tham gia chương trình. Các đại biểu đã đến thăm di tích chùa Tây Phương - ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII tại huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội 45 km về phía tây.
 Chùa Tây Phương - ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ VIII tại huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội 45 km về phía tây.
Các nhà ngoại giao tham gia lễ dâng hương Chùa hạ và ngỡ ngàng khi được lắng nghe về câu chuyện của ngôi Chùa mang dấu ấn của đồng bằng lúa nước bấc Việt Nam với mái ngói hai tầng bằng đất nung, cùng với chi tiết đầu đao gắn tứ linh long ly qui phượng.  
 Các đại biểu cùng tham gia Lễ dâng hương Chùa hạ với sự hướng dẫn của sư thầy Thích Đàm Thuỷ.
Tham quan 3 gian chùa thượng - trung - hạ, Đại sứ Mexico bày tỏ sự quan tâm đặc biệt quan tâm tới 34 pho tượng đc công nhận bảo vật quốc gia, đặc biệt là bộ tượng các vị La Hán tạc bằng gỗ mít nguyên khối sơn son thếp vàng. Được lắng nghe câu chuyện về những pho tượng sinh động tạc vào thế kỷ XVIII, bà Sara Valdés Bolano ấn tượng trước bề dày lịch sử sâu sắc của các bảo vật, kiến trúc tinh xảo của ngôi chùa cổ.
 Các nhà ngoại giao chăm chú lắng nghe giới thiệu về chùa Tây Phương
Trong khi đó, Đại sứ Palestine Saadi Salama chia sẻ, chuyến du xuân do Sở Du lịch và Liên Hiệp Hữu nghị TP Hà Nội tổ chức rất ý nghĩa khi chọn điểm đến là chùa Tây Phương, nơi thu hút sự quan tâm không chỉ của người Việt Nam mà còn đối với người nước ngoài. “Chuyến đi thăm ngôi chùa ngàn năm tuổi này là cơ hội để những người nước ngoài như chúng tôi tìm câu trả lời về nền văn hóa sâu sắc của Việt Nam, tạo môi trường hữu nghị thú vị ý nghĩa để các vị đại biểu gặp gỡ, kết bạn, cùng tìm hiểu về Hà Nội, về Việt Nam”, Đại sứ khẳng định.
Rảo bước trên 249 bậc đá ong dẫn từ cổng chùa xuống chân núi, các nhà ngoại giao trao đổi sôi nổi về chuyến thăm thú vị. Đại sứ Hy Lạp chia sẻ chuyến thăm chùa Tây Phương gợi ông nhớ đến khu Đền thờ Apollo Epicurius tại quê nhà, trong khi ngài Tham tán Malaysia Sharif lại tán thưởng không khí thanh tịnh nơi đây và mong muốn được trở lại ngôi chùa cổ sau chuyến thăm lần này.
Năm 1962, chùa Tây Phương trở thành Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; đặc biệt được vinh danh là “ngôi chùa sở hữu bộ tượng La Hán điển hình nhất của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVIII”. Vì vậy, chùa Tây Phương được coi là một công trình tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê và cũng là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều phật tử và du khách nước ngoài.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội khẳng định, ngoài những nghi lễ tiễn năm cũ, mừng năm mới, có thể nói du xuân chính là một nét văn hoá tâm linh đầy ý nghĩa của người dân đất Việt mỗi dịp tết đến xuân về. Sau nhiều năm tổ chức, chương trình “Du xuân hữu nghị” luôn là một điểm hẹn thường niên để chúng ta gặp gỡ mỗi dịp đầu xuân; góp phần tăng cường giao lưu, thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế; tạo cơ hội tốt giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa Việt thông qua những di tích lịch sử, làng nghề truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là của Thủ đô Hà Nội - ngàn năm văn hiến.