[Khó khăn bủa vây thị trường bất động sản thời Covid-19] Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà nước đã có một số chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Nhưng các chính sách chưa được tổ chức triển khai thực hiện triệt để tại địa phương.

 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính
Nhà đầu tư bức xúc về thủ tục hành chính chậm trễ, khiến cho DN mất đi cơ hội, trong khi nhu cầu của thị trường vẫn còn rất lớn… Đó là những nội dung chính được Phó Chủ tịch Thường trực Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn
Thưa ông, lường trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế nhằm hỗ trợ người dân và DN. Ông có đánh giá thế nào về những cơ chế này?
- Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân và DN, có thể kể đến như Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến gói kinh tế 280.000 tỷ đồng; Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng; Hay Nghị định 41, 42/NĐ-CP làm cơ sở để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói kinh tế 280.000 tỷ đồng… Điều này cho thấy sự vào cuộc nhanh chóng của các cấp, ngành trong chủ trương tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN.

Tuy nhiên thực tế đến thời điểm hiện tại gần như chưa được tổ chức triển khai thực hiện triệt để tại nhiều địa phương. Với những ảnh hưởng tiếp theo của dịch Covid-19, cộng đồng DN mong muốn các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Theo ông, sự chậm trễ này ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng DN nói chung và DN BĐS nói riêng?

- Đây là thời điểm gần như 100% DN BĐS không có nguồn thu. Trong khi đó họ vẫn phải chi trả cho các chi phí vận hành, quản lý, nhân sự, tiền lãi (nếu là dự án có đi vay vốn). Ngoài ra, các chủ DN còn phải thực hiện trách nhiệm của mình đối với Nhà nước và người lao động như nộp thuế, nộp tiền thuê đất, đóng bảo hiểm… Trong hoàn cảnh đó, DN rất mong muốn những cơ chế, chính sách của Nhà nước phải nhanh chóng được đưa vào thực hiện, càng chậm trễ, nguy cơ phá sản của DN càng tăng thêm.
 Nhà đầu tư tìm hiểu thông tin một dự án bất động sản ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo ông, các chính sách hỗ trợ cần tập trung vào những vấn đề gì?
- Ở thời điểm này, khi Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ thì các bộ, ngành liên quan cần sớm đưa vào triển khai. Theo đánh giá, hiện nay, các cơ quan quản lý đang lúng túng trong việc xác định mức hỗ trợ và phân loại đối tượng được hỗ trợ. Ví dụ đối với lĩnh vực BĐS cần xác định có 2 phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch lần này, đó là phân khúc du lịch – nghỉ dưỡng và các dự án nhà chung cư. Và ngay cả sau khi hết dịch, người dân cũng cần thêm thời gian để ổn định lại dần cuộc sống, tập trung vào công việc để phục hồi kinh tế, chưa ai nghĩ đến việc mua nhà hay đi du lịch.

Những nhóm đối tượng này không chỉ cần hỗ trợ ngay tại thời điểm có dịch mà họ cần phải được hỗ trợ một khoảng thời gian sau khi hết dịch. Cụ thể, theo Chỉ thị 11/CT-TTg là giãn thuế, tiền thuê đất, tiền đóng bảo hiểm trong vòng 5 tháng, nhưng sau đó cần kéo dài thêm từ 6 – 12 tháng, để họ có thời gian phục hồi sản xuất.

Cần phải có sự thay đổi từ gốc

Bên cạnh những chính sách về tài chính, thủ tục hành chính cũng là vấn đề khiến cho nhiều nhà đầu tư bức xúc. Ông có nhận định thế nào về điều này?

- Thời gian qua, những vướng mắc về thủ tục hành chính, kéo dài thời gian để lập dự án khiến các nhà đầu tư phàn nàn, bức xúc. Nhiều quy định đan xen, chồng chéo, không phù hợp với thực tế đã làm mất đi cơ hội cho các nhà đầu tư. Trong khi đó, nhu cầu mua là có, nhu cầu giao dịch của thị trường có, nhưng nếu bị trói chân, DN không triển khai được dự án, dẫn đến số lượng hàng khan hiếm, nhà đầu tư sẽ “om hàng” dễ biến tướng thành đầu cơ và tạo ra bong bóng BĐS.

Việc rà soát và thắt chặt cấp phép các dự án mới để thị trường không có rủi ro, tránh các sai phạm, thất thoát cho Nhà nước là hoàn toàn đúng. Nhưng thủ tục phức tạp sẽ làm tăng thời gian và chi phí của DN, khiến họ nản lòng, cung và cầu bị lệch lạc. Đáng lo ngại hơn, các DN sẽ quay lưng với địa phương, làm mất cơ hội phát triển của địa phương đó. Đối với chính quyền, vướng mắc khiến cho tiến trình phát triển kinh tế, đô thị chậm lại, giảm niềm tin của DN.

Dự kiến trong kỳ họp Quốc hội tới đây, nhiều văn bản luật sẽ được sửa đổi và bổ sung. Vậy những văn bản luật cần phải kiến nghị sửa đổi nhiều nhất để giúp cho thị trường phát triển là những luật nào?

- Tôi cho rằng tất cả các quy định của pháp luật đều phải đảm bảo tính thông thoáng, tính tự chủ, đặc biệt tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất cho các DN. Thủ tục hành chính phải rõ ràng, tránh tình trạng trường hợp rườm rà, mâu thuẫn, chồng chéo, nên các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý cũng rất lúng túng.

Chính phủ nên đánh giá một cách tổng quan, chi tiết các kiến nghị, đề xuất của DN, tập trung giải quyết triệt để vấn đề pháp lý và thủ tục cấp phép các dự án mới nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN trong trung và dài hạn. Đầu năm 2020 Chính phủ đã ban hành một số văn bản dưới luật là các nghị định để tháo gỡ nút thắt về luật. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng cơ bản cần phải có sự thay đổi từ gốc, đó là nhanh chóng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với điều kiện thực tế, như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… theo hướng đồng bộ, minh bạch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!

Nên kéo dài thời gian gia hạn

"Chính phủ quyết định giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất trong vòng 5 tháng là rất tốt. Nhưng theo tôi nên kéo dài thời gian gia hạn, cụ thể: đối với tiền thuế kéo dài từ 9 – 12 tháng, tiền thuê đất kéo dài 13 tháng, giúp DN có thời gian phục hồi." - Chủ tịch BRG Group Nguyễn Thị Nga


Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất không ảnh hưởng quá lớn đến ngân sách

"Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, bất ổn, thì chính sách gia hạn thời gian nộp thuế, theo tôi phải kéo dài ít nhất là 8 tháng kể từ thời điểm công bố hết dịch, để DN có tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh và việc gia hạn này không ảnh hưởng quá lớn đến ngân sách Nhà nước." - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, PGS. TS Ngô Trí Long