Khóa trình học tập của các hoàng tử

Nguyễn Mạnh Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ghi chép trong Khâm Định Đại Nam hội Điển Sự Lệ do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn có dành hẳn một chương nói về khóa trình giảng dạy, học tập của các hoàng tử, hoàng đệ và công tử của các hệ Tôn thất.

Theo đó, trước khi vào học, hoàng tử và các giảng quan mặc mũ áo đại triều đến giữa giảng đường có đặt bàn thờ Đức Tiên Sư Khổng Tử làm lễ.

Tiếp đó hoàng tử kính cẩn lễ lạy các thầy của mình 4 lạy và các thầy cũng lạy đáp lễ ngần ấy, sau đó cả thảy thay thường phục và bắt đầu việc giảng tập: "Buổi sớm 2 khắc sáng giảng quan đến giảng đường khai giảng, Hoàng tử đến nghe giảng, đến 7 khắc thì nghỉ. Buổi chiều thì 5 khắc lại đến học, 10 khắc lại nghỉ".

Theo giáo trình hoàng gia, các hoàng tử mới học thì được thầy dạy Tiểu học và Khai tâm bảo giám. Khi tuổi lớn dần thì được dạy Tứ thư, Ngũ kinh và được cho học xen các sách sử, học đến đâu phải gấp sách đọc thuộc kỹ càng, còn sách sử không phải đọc thuộc, chỉ cần các thầy giảng giải rõ ràng sự tích mà thôi: "Những ngày dạy học thì lấy ngày lẻ giảng truyện hoặc kinh, ngày chẵn học sử, học đến khi mặt trời lặn thì nghỉ...".

Thời bấy giờ, Hoàng tử từ 10 tuổi trở xuống không phải gò mình vào khuôn khổ, có khi còn được vua đặc cách phái người đến phủ đệ riêng dạy trực tiếp. Chỉ các hoàng tử trên 14 tuổi mới được vua cho vào chầu hầu để hỏi bài. Từ 15 tuổi trở lên, khi văn chương đã thông, hoàng tử được học cưỡi ngựa bắn cung: "Mỗi tháng 3 lần, buổi chiều vào các ngày mồng một, mười một, hai mốt cho đến chỗ tập voi mà tập cưỡi ngựa 3 lần, lại cho đặt một chỗ vắng vẻ làm nơi tập bắn, đều do viên quản thị vệ liệu lấy 1 -2 viên quan võ theo đi chỉ bảo".

Trở thành thầy dạy học của các hoàng tử, rõ ràng là niềm vinh dự nhưng cũng là trọng trách với các vị đại thần. Tiếc rằng các thư tịch cổ mà người viết tiếp cận không thấy nhắc gì đến chế độ lương bổng cũng như tâm tư của những người thầy dạy học của các hoàng tử mà một trong số họ mai này sẽ lên ngôi vua.

Chẳng rõ việc dạy học cho con của thiên tử, các vị đại thần có chịu nhiều áp lực khi gặp phải học trò chậm hiểu, lười biếng, ương bướng? Và chẳng rõ các thầy có áp dụng biện pháp trừng phạt như bắt quỳ, khẽ tay hay không? Nhưng điều rất rõ là từ ngày xưa, việc học của con cái luôn là áp lực lớn với những ông bố bà mẹ, nhất là những người thuộc dòng dõi trâm anh. Họ luôn kỳ vọng, mong muốn con em mình được giỏi giang hơn người để làm rạng rỡ gia môn cũng như có được tiền đồ sán lạn. Các ông bố bà mẹ càng kỳ vọng bao nhiêu, đổ lên vai con trẻ bao nhiêu thì trọng trách của người thầy càng nặng nề, áp lực bấy nhiêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần