Sau 3 năm triển khai Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT về Chương trình LQTA dành cho trẻ em mẫu giáo (Thông tư 50) của Bộ GD&ĐT, quy mô, số lượng các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) và số lượng trẻ được LQTA tại Hà Nội tiếp tục tăng lên.
Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có khoảng 600 giáo viên tham gia giảng dạy chương trình cho trẻ mẫu giáo LQTA, trong đó có gần 200 giáo viên nước ngoài và 400 giáo viên Việt Nam.
Đến nay, có 29/30 quận huyện với 619 trường mầm non tổ chức cho trẻ LQTA (429 trường công lập, 190 trường tư thục, gần 400 cơ sở giáo dục mầm non độc lập); khoảng 90.000 trẻ em mẫu giáo tham gia hoạt động LQTA; 34/36 trung tâm ngoại ngữ hợp tác với các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ LQTA.
Việc tổ chức các hoạt động LQTA được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của cha mẹ trẻ và giúp trẻ được bồi dưỡng, phát huy năng lực cá nhân; tạo cho trẻ hứng thú, tích cực tham gia hoạt động, mạnh dạn, tự tin và sớm có khả năng hội nhập quốc tế.
Để đảm bảo chất lượng tổ chức cho trẻ mẫu giáo LQTA, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định trình tự, thủ tục thẩm định, gia hạn và phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cấp quản lý; trong đó sở chịu trách nhiệm thẩm định chương trình, kế hoạch triển khai đối với các trường mầm non trực thuộc quản lý của sở; thẩm định hồ sơ, năng lực, pháp lý, chương trình chi tiết của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn; kiểm tra giám sát việc tổ chức cho trẻ LQTA …
Tại lễ sơ kết 3 năm triển khai Thông tư 50 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 23/4, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Vương Hương Giang đánh giá chương trình LQTA cho trẻ mẫu giáo tại Hà Nội đã thực hiện đảm bảo đúng hướng, có chất lượng; đáp ứng nhu cầu, sự tin tưởng của cha mẹ trẻ và xã hội.
Để chương trình LQTA cho trẻ mẫu giáo được triển khai tích cực trên quy mô toàn thành phố, Sở GD&ĐT đề nghị: thời gian tới, các phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận, huyện, thị xã xây dựng đề án, lộ trình, kế hoạch cử giáo viên mầm non tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu Thông tư 50.
Các cơ sở GDMN cần làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp cha mẹ trẻ thực hiện quá trình giám sát, kiểm tra; tiếp tục xây dưng chương trình LQTA sáng tạo, phù hợp điều kiện từng nhà trường và khả năng của trẻ, đổi mới phương pháp giáo dục trẻ; khuyến khích các đơn vị tổ chức hoạt động kết nối, tạo nhiều sân chơi cho trẻ LQTA...