Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo dục mầm non (GDMN) có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Tuy nhiên, GDMN vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại…

Học sinh Trường Mầm non Đa Sỹ- Hà Đông trong vườn trường
Học sinh Trường Mầm non Đa Sỹ- Hà Đông trong vườn trường

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, 10 năm qua, GDMN đã có bước phát triển khá toàn diện, tạo nền tảng cơ bản để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Chương trình GDMN được điều chỉnh từng bước để phù hợp hơn với thực tiễn; việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy GDMN phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được tới cơ sở GDMN, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình GDMN, chuẩn bị các điều kiện cho trẻ em sẵn sàng vào lớp 1.

Quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Số liệu từ Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay toàn quốc, có gần 15.500 trường mầm non ở các loại hình và gần 16.000 cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập).

Các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình GDMN được quy chuẩn và quan tâm đầu tư. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 87,3%.

Các địa phương đã quan tâm đến đầu tư xây mới phòng học, kiên cố hóa trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em mầm non. Trung bình toàn quốc đã bố trí bảo đảm tỷ lệ 1 phòng học/lớp, trong đó phòng học kiên cố đạt tỷ lệ 80%.

Mặt khác, Chính phủ cũng ban hành chính sách phát triển GDMN. Các chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ con em công nhân... đã góp phần nâng cao chất lượng GDMN.

Bên cạnh các thành tựu, GDMN hiện còn các hạn chế, tồn tại như: chương trình giáo dục mầm non chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ; cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện Chương trình GDMN.

Hiện nay, tính riêng cấp học mầm non, toàn quốc còn khoảng trên 5.000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi.

Đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết. Toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 giáo viên mầm non. Trong bối cảnh thiếu nhưng các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là giáo viên mầm non.

Tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc tăng và nghề giáo viên mầm non ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập đang thấp nhất trong các cấp học, trong khi giáo viên chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9-12 giờ mỗi ngày).

Kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN rất hạn chế; chưa có bất kỳ đề án, dự án nào có đủ kinh phí để xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non.

Mục tiêu “công bằng” trong phát triển GDMN chưa bảo đảm. Khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn; còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN; hiện mục tiêu giáo dục “hòa nhập” còn hạn chế...

Thời gian tới, ngành GDMN sẽ tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu "chất lượng, công bằng, hòa nhập", qua đó, đặt nền móng quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.