Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi công tổ hợp chế biến thịt, Masan hoàn thành mảnh ghép cuối cùng trong mô hình 3F

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/2, Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (“MNS”) chính thức khởi công Dự án Tổ hợp Chế biến Thịt tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV, xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Việc khởi công Tổ hợp Chế biến Thịt này, MNS chạm đến mảnh ghép quan trọng cuối cùng trong việc hoàn chỉnh mô hình 3F - Từ trang trại đến bàn ăn, sẽ là công ty Việt Nam đầu tiên trong ngành thịt thực sự xây dựng một mô hình 3F. Qua đó, MNS sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt các sản phẩm thịt ngon, an toàn với giá cả phù hợp mà họ có thể tin tưởng và thưởng thức mỗi ngày.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ.
Dự án Tổ hợp Chế biến Thịt tại Hà Nam có công suất chế biến khoảng 1.400.000 con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm với tổng đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích đất khoảng 10ha tại Hà Nam. Mô hình nhà máy được chuyển giao công nghệ từ Đan Mạch, các thiết bị, dụng cụ, vật liệu tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm trong quá trình sản xuất đều tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA).
Quy trình độc đáo này chính là giải pháp để chúng tôi có thể đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát (fresh chilled meat) - sản phẩm hoàn toàn chưa có mặt trên thị trường Việt Nam. Thịt heo mát được lưu trữ và phân phối trong hệ thống kho và vận chuyển lạnh 0 - 4 độ C trong suốt thời hạn sử dụng; chính điều kiện vận chuyển, bảo quản này hạn chế vi sinh vật phát triển và giữ hương vị tự nhiên, tươi ngon cho sản phẩm; và thịt heo mát có hạn sử dụng trong vòng 5 ngày. Cách thức sản xuất, bảo quản và kinh doanh dạng thịt heo này đã rất phổ biến và được chuẩn hóa trên thế giới (chilled meat).

Dự kiến, sản phẩm thịt mát (fresh chilled meat) đầu tiên sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm 2018. Đây là minh chứng cho cam kết của Masan đối với việc thúc đẩy năng suất của ngành đạm động vật Việt Nam với giá trị thị trường 9 tỷ USD để hiện thực hóa giấc mơ của người Việt được thưởng thức thịt mát, tươi ngon, giá cả phù hợp để cho mâm cơm của người Việt thêm đủ đầy, người tiêu dùng Việt thêm an tâm hơn và bớt đi nỗi lo về bữa ăn mỗi ngày.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT; tỉnh Hà Nam và Tập đoàn Masan thực hiện nghi thức động thổ khởi công 
Ngoài ra, trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, giải pháp này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của thực phẩm Việt với thực phẩm của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa

Hiện MNS đang sở hữu trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An với tổng đàn 250.000 heo thịt/năm cùng với hệ thống nhà máy cung cấp thức ăn gia súc chất lượng cao với thương hiệu mạnh “Bio-zeem”.

Masan Nutri-Science cũng sẽ phối hợp với lãnh đạo tỉnh Hà Nam để nhân rộng mô hình chăn nuôi và chế biến thịt heo kiểu mẫu này tại huyện Bình Lục và các vùng phụ cận theo quy hoạch vùng nguyên liệu của tỉnh giúp Hà Nam đạt được các mục tiêu: Khai thác được vùng có kinh nghiệm chăn nuôi heo, nâng cao năng suất của ngành chăn nuôi, duy trì đầu ra ổn định và đảm bảo ổn định thu nhập cho người chăn nuôi.

Ông Phạm Trung Lâm - Tổng giám đốc Masan Nutri-Science cho biết: “Tôi rất vui mừng khi hoàn tất mảnh ghép cuối cùng cho hành trình chuyển đổi sang mô hình phục vụ đến tận người tiêu dùng cuối cùng. Khi MNS mới bắt đầu thâm nhập vào thị trường này vào năm 2015, tầm nhìn của chúng tôi là DN dẫn đầu trong việc cung cấp các sản phẩm thịt ngon, sạch, có thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc với giá cả hợp lý mà người tiêu dùng có thể thưởng thức mỗi ngày. Chúng tôi đang bắt đầu hiện thức hóa sứ mệnh của mình trong năm 2018 bằng việc hoàn tất dự án này”.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã hoan nghênh Tập đoàn Masan đã khởi công một dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng, đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh chế biến, giết mổ và tổ chức thị trường của ngành chăn nuôi nước ta đang rất hạn chế.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (bên trái), nhận hoa chúc mừng từ lãnh đạo tỉnh Hà Nam

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Hà Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Masan thực hiện dự án. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn sinh học cho dự án và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bộ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Masan tập trung nguồn lực để thực hiện dự án đúng tiến độ, làm tốt khâu nguyên liệu, chế biến cũng như nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, dự án Tổ hợp chế biến thịt của Tập đoàn Masan tại Hà Nam sẽ thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi của địa phương và các tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là giải pháp để từng bước chấm dứt hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Masan Nutri-Science, một công ty con của Tập đoàn Masan, là DN lớn nhất Việt Nam về nền tảng thịt có thương hiệu (áp dụng mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn”), tập trung vào việc cải thiện năng suất trong ngành đạm động vật của Việt Nam có quy mô 9 tỷ USD với mục tiêu cuối cùng là việc mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm thịt có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và giá cả hợp lý. 

Năm 2017, Masan Nutri-Science bán được hơn 2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi thông qua mạng lưới phân phối với hơn 4.500 nhân viên bán hàng và 14 nhà máy trên toàn quốc. Nhờ áp dụng mô hình xây dựng thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Masan Nutri-Science đang sở hữu thương hiệu mạnh “Bio-zeem”, và giữ 35% thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo vào cuối năm 2017. Masan Nutri-Science cũng đã hoàn tất mô hình “3F” (Từ trang trại đến bàn ăn), thông qua việc đưa vào hoạt động nhà máy chăn nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An vào cuối năm 2017 và khởi công tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam nhằm hiện thực hóa giấc mơ thịt sạch với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng Việt Nam.