Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2022)

Khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệu quả hoạt động của các chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp đã góp phần xây dựng người nông dân thế hệ mới với tư duy năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, có khả năng dẫn dắt đông đảo hội viên nông dân cùng làm giàu chính đáng cho gia đình, xã hội.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội Phạm Hải Hoa với báo Kinh tế & Đô thị.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa

Bà đánh giá như thế nào về kết quả xây dựng chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp của TP Hà Nội trong thời gian qua?

- Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW của Ban chấp hành T.Ư HND Việt Nam (khóa VII) về “Đẩy mạnh xây dựng Chi hội, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp”, HND TP Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các cơ sở hội thành lập và nhân rộng mô hình. Đến nay, các huyện, thị xã đã thành lập và ra mắt 154 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 3.333 hội viên tham gia; 2.327 Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 14.984 hội viên tham gia.

Lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân TP Hà Nội tham quan mô hình trồng chè an toàn tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Ảnh: Ánh Ngọc
Lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân TP Hà Nội tham quan mô hình trồng chè an toàn tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Ảnh: Ánh Ngọc

Trong đó 9 tháng đầu năm 2022, các cơ sở Hội đã thành lập mới 44 chi Hội nông dân nghề nghiệp cho 1.023 thành viên tham gia và 404 tổ Hội nghề nghiệp với 3.908 thành viên tham gia; Các chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả tiêu biểu như: HND huyện Thường Tín thành lập được 6 chi Hội; thị xã Sơn Tây và huyện Quốc Oai mỗi đơn vị thành lập được 5 chi Hội; Phúc Thọ thành lập được 4 chi Hội, các huyện còn lại thành lập được từ 1- 2 chi Hội.

Các chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp đã đi vào hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân, đồng thời tạo được mối liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thị sản phẩm.

Đáng ghi nhận, chi Hội nông dân nghề nghiệp là đơn vị hành động, cầu nối của Ban Chấp hành với tổ chức HND cơ sở. Tổ chức sản xuất, kinh doanh theo nghề nghiệp cụ thể, đa dạng phong phú, trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau để tập hợp, thu hút hội viên nông dân tham gia vào tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất của các chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp được các cấp HND TP thực hiện ra sao, thưa bà?

- Đây là nhiệm vụ mà các cấp Hội thường xuyên quan tâm, hỗ trợ. Cụ thể, Quỹ Hỗ trợ nông dân TP đến nay đã giải ngân 555 dự án với số tiền 246.383 triệu đồng cho 7.723 hộ vay vốn. Bình quân đạt xấp xỉ 430 triệu đồng/dự án, 30 triệu đồng/hộ vay. Trong đó, 184 dự án chăn nuôi (chiếm 43,9%); 136 dự án trồng trọt (chiếm 32,5%), 41 dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế (chiếm 9,8%) 58 dự án cho vay kinh doanh dịch vụ (chiếm 13,8 %).

HND các huyện, thị xã chỉ đạo và cho vay 41 dự án xây dựng mô hình tế tập thể và 273 dự án xây dựng tổ Hội, chi Hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, HND TP đã chỉ đạo HND các huyện, thị xã thu hồi nguồn vốn đến hạn với số tiền 210.579 triệu đồng của 10.845 hộ tham gia 579 dự án. Quá trình thu hồi không phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.

Ngoài ra, công tác phối hợp với các ngân hàng tiếp tục được tăng cường. HND TP chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với ngân hàng Chính sách Xã hội, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, dư nợ đến nay đạt hơn 3.000 tỷ đồng cho 66.598 hộ vay. Phối hợp với các Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp &PTNT hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, dư nợ đạt trên 1.300 tỷ đồng cho 14.204 thành viên vay vốn. Dư nợ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đạt hơn 16 tỷ đồng cho 187 hộ vay.

Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn vay từ các Ngân hàng đã tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn nông thôn.

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP đã giúp nhiều hộ hội viên nông dân phát triển kinh tế và làm giàu. Ảnh: Ánh Ngọc 
Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP đã giúp nhiều hộ hội viên nông dân phát triển kinh tế và làm giàu. Ảnh: Ánh Ngọc 

Hội sẽ thực hiện giải pháp gì để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp trong thời gian tới?

- HND TP tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở trong việc lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của địa phương để xây dựng chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo theo tiêu chí “5 tự” (Tự giác; tự nguyện; tự chủ; tự quản; tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (Cùng lĩnh vực lao động; ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi).

Xây dựng những mô hình, dự án đang được đầu tư vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và các tổ chức tài chính, tín dụng khác.

Song song với đó, rà soát, củng cố chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp đã được thành lập; hướng dẫn xây dựng các mô hình chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp kiểu mẫu; tăng cường tổ chức các hoạt động tham quan mô hình; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị cho hội viên, nông dân.

Đặc biệt, chủ động xây dựng mối liên kết giữa hội viên, nông dân với DN, tổ hợp tác, hợp tác xã trong chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”. Tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là cấp mã vùng sản xuất và cơ sở đóng gói, chế biến để đảm bảo điều kiện xuất khẩu chính ngạch cho nông dân.

Đối với nội dung sinh hoạt, hoạt động của chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp tập trung vào những phần việc trao đổi cụ thể như: Thời tiết nông vụ; thị trường, giá cả, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con; phòng trừ dịch, bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay…

Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân TP tiếp tục chuyển hướng cho vay theo dự án của các chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, mô hình kinh tế tập thể. Các chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường nên đầu ra cũng sẽ thuận lợi hơn. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa