Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cán bộ, hội viên nông dân Thủ đô mong muốn TP tiếp tục quan tâm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chính sách “tam nông”. Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy nông dân phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Ngày 6/10, tại huyện Phúc Thọ, Hội Nông dân TP phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tọa đàm “Vai trò của Hội nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022”.

Hội viên nông dân phát biểu ý kiến tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Ánh Ngọc
Hội viên nông dân phát biểu ý kiến tham luận tại tọa đàm. Ảnh: Ánh Ngọc

Nhiều khó khăn cố hữu

Toạ đàm đã diễn ra sôi nổi với 9 tham luận của các cán bộ, hội viên nông dân, tập trung vào nhiều nhóm vấn đề sát với thực tế phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, quan tâm nhất là vấn đề vướng mắc thời gian cho thuê đất công ích để sản xuất; chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ liên kết tìm đầu ra bền vững cho nông sản…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Ánh Ngọc 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Ánh Ngọc 

Ông Dương Văn Nghi – Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt đẻ trứng (xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) cho biết, hiện nay, tổ sản xuất đang chăn nuôi 29.000 con vịt đẻ, sản lượng trứng trung bình 8,3 triệu quả/năm. Năm 2018, sản phẩm của tổ đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, song đến nay giá trị của sản phẩm mang lại vẫn thấp.

Nguyên nhân là do sản phẩm chưa được đưa vào chuỗi giá trị nên giá cả rất bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Đây vừa là khó khăn, vừa là rào cản khiến các hộ chăn nuôi không mạnh dạn đầu tư tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất. “Mong muốn của các hộ nuôi vịt ở Phụng Thượng là được liên kết với các DN, hợp tác xã để tiêu thụ ổn định sản phẩm trứng vịt an toàn” - ông Nghi bày tỏ.

Trăn trở về chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ông Vũ Văn Sáu (hội viên nông dân xã Vân Phúc) chia sẻ, từ năm 2015, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới với khung thép kiên cố trên khu ruộng hơn 1.000m2 của gia đình để trồng rau trái vụ. Mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao khi trung bình mỗi sào rau cho thu lãi 8 – 12 triệu đồng.

Mô hình trồng rau giống của ông Vũ Văn Sáu, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Văn Thắng
Mô hình trồng rau giống của ông Vũ Văn Sáu, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Văn Thắng

Hiện nay, rất nhiều hộ nông dân ở xã Vân Phúc muốn trồng rau ứng dụng công nghệ cao nhưng không thể thực hiện vì thiếu vốn. Mặt khác, hệ thống kênh mương dù được đầu tư nhiều năm những đã xuống cấp; lưới điện phục vụ sản xuất vẫn chủ yếu là tự phát khiến nông dân chưa yên tâm sản xuất. “Chúng tôi kiến nghị TP, huyện Phúc Thọ và các cấp ngành tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ nông dân về hạ tầng sản xuất” – ông Vũ Văn Sáu đề xuất.

Sẽ điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ

Giải đáp các kiến nghị về chính sách hỗ trợ hạ tầng sản xuất, hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Huyền cho biết, hiện TP đang triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này các hợp tác xã, DN vẫn chưa thể tiếp cận do nguyên nhân về những quy định, định mức của chính sách.

Để tháo gỡ nút thắt này, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu với Sở NN&PTNT trình UBND TP phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 10, để đề xuất HĐND TP xem xét, thông qua vào kỳ họp HĐND sắp tới.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Ánh Ngọc
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Ánh Ngọc

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh thông tin, huyện sẽ phối hợp với ngành Điện lực TP có phương án đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới điện phục vụ sản xuất tại vùng bãi xã Vân Phúc. Tuy nhiên, đầu tư phải theo quy hoạch nên không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”.

Đối với liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trước hết nông dân phải làm bài bản, hình thành vùng sản xuất lớn, sản phẩm có chất lượng đồng đều, ổn định thì khâu tiêu thụ mới sớm được khơi thông và thu hút được các DN tham gia liên kết.

Chia sẻ với nông dân về đề xuất gia hạn hợp đồng thuê thầu đất công ích, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Trong đó có nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất để thực hiện tái cơ cấu nguồn nông nghiệp. Đối với quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích sẽ tăng thời hạn mỗi lần thuê đất là 20 năm, để người thuê đất bảo đảm có sự yên tâm đầu tư đối với loại đất này.

 

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân TP tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh, tập trung, giá trị kinh tế cao, bền vững và an toàn thực phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng, phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng