Đây cũng là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho hiện nay và trong tương lai. Đó là quan điểm được GS.TS Phùng Hữu Phú (Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị.
Luôn có khát vọng vươn lên
Thực hiện chuyên đề toàn khóa XIII về “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được coi là một giải pháp hữu hiệu, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Giáo sư có thể phân tích rõ hơn về việc thực hiện chuyên đề này trong bối cảnh hiện nay?
- Trước hết phải thấy rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không chỉ là mơ ước mà là khát vọng mang sức sống hiện thực, được hình thành, bồi đắp trên một cơ tầng khoa học về lộ trình hướng đích với những bước đi được dự liệu rõ ràng.
Kế thừa, hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những Đại hội Đảng trước đây; căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của đất nước và xu thế phát triển của thế giới, Nghị quyết Đại hội XIII xác định các mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Muốn thực hiện được khát vọng phát triển đất nước vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc ấy cần có hệ giải pháp đồng bộ, sáng tạo, khoa học, trong đó một yếu tố quan trọng là nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bởi những tư tưởng của Bác đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn; việc vận dụng và phát triển sáng tạo trong bối cảnh hiện nay sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Vậy thưa Giáo sư, những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chúng ta cần lưu ý là gì?
- Nói về ý chí tự, tự cường trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần thấm nhuần một số luận điểm nổi bật. Thứ nhất, là phải tự mình phấn đấu để mạnh lên, không trông chờ, lệ thuộc vào lực lượng bên ngoài. Thứ hai, là giữ vững độc lập, tự chủ, không bị chi phối bởi các tác động bên ngoài. Thứ ba, là luôn chủ động, năng động, đổi mới, sáng tạo để phát triển về mọi mặt. Thứ tư, là phát huy vai trò làm chủ, quyền làm chủ, tâm huyết, trí tuệ, sức mạnh của Nhân dân. Thứ năm, là kiên định, kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, qua nghiên cứu, có thể thấy một số luận điểm nổi bật cần thấm nhuần. Trong đó, thứ nhất, là quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, làm cho đất nước mạnh lên về mọi mặt, tiến kịp, tiến cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu. Thứ hai, là thực hiện từng bước trên thực tế khẩu hiệu: Tất cả vì sự phát triển toàn diện của con người, vì hạnh phúc của Nhân dân, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Thứ ba, là Đảng, Nhà nước phải có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thật chu đáo, khoa học; chỉ đạo tổ chức hiệu quả trong thực tế, để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đó là những tư tưởng rất cốt lõi và vẫn còn nguyên giá trị đến hiện nay, luôn là sợi chỉ đỏ soi đường trong thực hiện các mục tiêu hiện nay.
Hành động và truyền cảm hứng
Thưa Giáo sư, có thể nói, đây là một chuyên đề khó, vậy cần những giải pháp gì thúc đẩy việc thực hiên, lôi cuốn sự vào cuộc của toàn xã hội?
- Trước hết phải nhấn mạnh lại, cốt lõi của chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là làm sao khơi dậy được quyết tâm, nghị lực của toàn dân tộc, từng cộng đồng, từng gia đình và từng người Việt Nam. Lấy sức ta để phát triển đất nước, gắn hạnh phúc cá nhân, gia đình với hạnh phúc của cộng đồng, của dân tộc, làm cho đất nước mạnh lên, giàu lên bằng chính sức mạnh của mình; là thực hiện mong muốn của Bác là đưa đất nước bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Để thực hiện, trước hết, cần nâng cao công tác tuyên truyền, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc và tự giác thực hiện bổn phận, trách nhiệm của bản thân, gắn bó chặt chẽ, liên hệ mật thiết với Nhân dân, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.
Điều quan trọng đặc biệt là người đứng đầu phải là tấm gương tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển; có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng hành động cho mọi người, cho Nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc trong Đảng và xã hội. Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể. Đồng thời, luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, toàn diện, công tâm, công khai, minh bạch, chính xác, chống cục bộ địa phương, bè phái trong công tác cán bộ.
Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Nâng cao tính khoa học, tính chiến đấu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; loại thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội, củng có niềm tin, ý chí phấn đấu của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Một điều quan trọng khác là để phát huy được ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải xây dựng bằng được môi trường dân chủ, nhân văn, sáng tạo; để mọi ý tưởng, mong muốn sáng tạo đều được trân trọng, được tạo điều kiện để thực hiện.
Thưa Giáo sư, như vậy có thể thấy rằng, thực hiện tốt chuyên đề toàn khóa XIII cũng phản ánh nguồn động lực then chốt và cơ bản nhất đối với sự phát triển của đất nước ta trong những năm sắp tới?.
- Có thể khẳng định như vậy. Trong những năm qua, những tư tưởng, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Việt Nam hùng cường đã được toàn Đảng, toàn dân ta từng bước hiện thực hóa trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới phát triển đất nước trong hơn 35 năm qua. Đến nay đem lại những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trên tinh thần đó, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và người dân sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!