Cùng lúc, nhiều loại dịch bệnh như Covid-19, cúm A, cúm B... cũng đang lưu hành nên người dân thường nhầm lẫn giữa các triệu chứng, đi khám muộn, gây khó khăn trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Cả nhà “đổ bệnh”
Một tuần qua là chuỗi thời gian mệt mỏi và bận rộn nhất với chị Nguyễn Phương Hà (Long Biên, Hà Nội) bởi chồng, con và bố mẹ chị đều ốm. Chị Hà cho biết, trong nhà chỉ có một người ốm thì còn đỡ. Cả nhà thi nhau ngã bệnh càng vất vả hơn.
Theo lời chị Hà, ban đầu, chồng chị có biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, người mệt mỏi, lờ đờ… nghi ngờ mắc Covid-19 nhưng khi test lại cho kết quả âm tính. Do đó, chị Hà mua thuốc hạ sốt và nước bù điện giải cho chồng uống, tuy nhiên, tình trạng sốt không cải thiện nhiều, sau thêm triệu chứng đau đầu, phát ban, tiểu cầu hạ. Vài ngày sau, thêm con trai (5 tuổi) và bố mẹ cũng có triệu chứng tương tự như chồng chị.
“Giờ nhiều loại dịch bệnh, tôi không biết 4 người thân của tôi mắc bệnh nào? Vì hiện nhiều bệnh có các triệu chứng giống nhau, khó phân biệt. Lo cả nhà đổ bệnh, lại ngại đến bệnh viện (BV) vì lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, thêm nguy cơ lây nhiễm chéo nên tôi quyết định gọi BV Đa khoa MEDLATEC đến xét nghiệm cho người thân. Kết quả cho thấy, 4 thành viên trong gia đình tôi mắc SXH” – chị Hà chia sẻ.
Gặp tình trạng tương tự, anh Nguyễn Ngọc Cường (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh và 2 con nhỏ cũng có triệu chứng sốt, khó thở, mệt mỏi suốt hơn một tuần.
“Trước đây, khi thay đổi thời tiết, tôi cũng hay ốm vặt. Tuy nhiên, thường chỉ đau họng, chảy mũi khoảng 1 - 2 ngày là hết. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi ốm lâu đến thế” – anh Cường cho hay. Do lo ngại tái nhiễm SARS-CoV-2 nên gia đình anh Cường cũng tự test nhanh Covid-19 tại nhà nhưng kết quả âm tính. Đến ngày thứ 4 vẫn còn sốt, anh Cường cùng vợ và con quyết định đi khám tại BV gần nhà và được chẩn đoán SXH.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 281.189 trường hợp mắc SXH, trong đó có 110 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,8 lần và số tử vong tăng 89 trường hợp. Theo thống kê của CDC Hà Nội, số mắc SXH năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Hiện tại, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Đỉnh dịch SXH có thể rơi vào trung tuần tháng 11. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong. Do đó cần tiếp tục bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống SXH Dengue.
Tránh nhầm lẫn, bỏ sót dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng
Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, số lượng bệnh nhân SXH ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng, đỉnh điểm có thể là tháng 11 - 12. Các bác sĩ cảnh báo dịch chồng dịch khi thời tiết miền Bắc chuyển mùa, các bệnh dịch khác (Covid-19, virus Adeno, cúm, thủy đậu,...) cũng có nguy cơ bùng phát.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc SXH.
Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và tiểu cầu hạ quá (qua kết quả xét nghiệm) thì mới đến BV. Khi đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.
Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân SXH cũng như mức độ giảm tiểu cầu, theo các bác sĩ, người bệnh cần làm xét nghiệm máu. Ở người khỏe mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình từ 150 - 450G/L. Mức nguy hiểm khi tiểu cầu giảm dưới 50G/L, mức nghiêm trọng là 10 - 20G/L.
“Nếu tiểu cầu giảm nhanh hoặc có biểu hiện xuất huyết chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết ngoài da, rong kinh - rong huyết cũng như có hiện tượng cô đặc máu, như chân tay lạnh, nôn mửa, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, men gan tăng cao…, bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, việc truyền tiểu cầu chỉ tiến hành khi nào xuống thấp dưới 5G/L hoặc có biểu hiện chảy máu. Sau khi hết sốt vài ngày, tiểu cầu sẽ tăng trở lại bình thường” - PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV T.Ư Quân đội 108 cũng đã chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc SXH Dengue trở nặng, thậm chí tử vong. Đó là chủ quan không đi khám bệnh; hết sốt là khỏi bệnh và chỉ mắc bệnh một lần trong đời.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, có không ít người dân ngại đi khám bệnh vì sợ thủ tục rườm rà, chờ đợi, lại lo ngại BV quá tải, thiếu vật tư y tế, nguy cơ lây nhiễm chéo, điều này khiến tình trạng bệnh trở nên nặng, trầm trọng hơn.
Với ý nghĩa khám chữa bệnh kịp thời giúp người bệnh đưa ra hướng xử lý điều trị kịp thời, tránh hậu quả khôn lường, nhiều người đã lựa chọn khám bệnh và sử dụng các dịch vụ tại BV Đa khoa MEDLATEC trong thời điểm dịch hiện nay. BV Đa khoa MEDLATEC cung cấp đầy đủ dịch vụ khám và điều trị các bệnh lý đa chuyên khoa như: Bệnh lý hô hấp; tiêu hóa; nội tiết; sản phụ khoa; nhi khoa; ung bướu…
Đặc biệt, để phòng và chẩn đoán bệnh giao mùa, BV có đầy đủ các dịch vụ, kỹ thuật chẩn đoán bệnh như: Dịch vụ tiêm phòng vaccine cúm; bộ xét nghiệm chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm hiện nay (cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, adenvirus, đậu mùa khỉ). Dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi nhanh chóng, tiện lợi.
Theo các bác sĩ BV Đa khoa MEDLATEC, dịch SXH đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Hà Nội. Đáng chú ý, SXH Dengue ở trẻ biểu hiện giống như các bệnh do virus thông thường, do đó các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh có thể nhầm lẫn, bỏ sót những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng.
Vì vậy, khi người dân có những biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người nên đến các cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm, được thầy thuốc tư vấn, chỉ định kịp thời. Không tự ý truyền dịch, truyền đạm hoặc dung dịch cao phân tử tại nhà, không tự đi mua thuốc về uống…
SXH và Covid-19 đều có những triệu chứng giống nhau ở giai đoạn khởi phát của bệnh, ví dụ như sốt, đau đầu, mệt mỏi toàn thân. Nhưng đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, từ nguyên nhân gây bệnh và chủng loại virus. Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, còn SXH dengue là do virus gây bệnh SXH gây nên. Các chuyên gia khuyến cáo nếu người dân có các triệu chứng trên, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng, tránh nguy cơ bệnh trở nặng.
----
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc SXH đang gia tăng mạnh những tuần gần đây. Nếu như vào đầu tháng 9/2022, số ca mắc trong khoảng 500 - 700 ca/tuần thì đến cuối tháng 10/2022, ghi nhận 1.200 - 1.400 ca/tuần. Riêng trong tuần cuối tháng 10 (từ ngày 21 - 28/10) ghi nhận 1.205 ca mắc SXH và 62 ổ dịch mới, trong đó có 3 ca tử vong.
Như vậy, từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội có 9.404 ca mắc SXH (tăng gấp 3,4 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó đã ghi nhận 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 559/579 xã, phường, thị trấn với số mắc ghi nhận tại ngoại thành chiếm 58,4% và nội thành chiếm 41,6%. Tuýp virus Dengue lưu hành là D1 và D2, D4.