Không có chuyện Luật An ninh mạng ảnh hưởng đến doanh nghiệp internet

Tin, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/6, Quốc hội tổ chức Họp báo Công bố Kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi Họp báo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyên Thanh Hồng cho biết, hoàn toàn không có chuyện Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án Luật An ninh mạng, Uỷ ban Quốc phòng An ninh đã hết sức lắng nghe ý kiến của cử tri, các chuyên gia và đặc biệt là ý kiến của đại diện một số quốc gia: Mỹ, Úc, EU và của các hiệp hội internet, viễn thông... với mục đích để làm sao đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng.

 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV đã thông qua 7 dự án luật, 8 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Các luật được Quốc hội thông qua nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, gồm: Luật Đo đạc và Bản đồ; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Cạnh tranh; Luật Quốc phòng, Luật Thể dục thể thao (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch.

Về luật Đặc khu, với đa số tán thành, Quốc hội lùi việc thông qua dự án luật đặc khu từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu ý kiến.

Tại kỳ họp này đã tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề với 4 Bộ trưởng, các phó thủ tướng chính phủ và các Bộ trưởng các ngành đã cùng giải trình những vấn đề liên quan. Vấn đề chất vấn được lựa chọn sát với thực tế. ĐB đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm. Đã có hơn 260 ĐB đặt câu hỏi, khoảng 80 ĐB tranh luận. Các trưởng ngành nắm chắc vấn đề và đưa ra các giải pháp xử lý…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện Luật An ninh mạng sẽ ảnh hưởng đến DN cung cấp dịch vụ viễn thông internet vì thực ra Luật tạo ra cơ chế bảo vệ quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân, DN trong và ngoài nước”.

Trả lời câu hỏi về việc liệu Google, Facebook có rời bỏ Việt Nam khi Luật An ninh mạng có hiệu lực hay không? Ông Hồng chia sẻ: Hiện, Google, Facebook chưa có ý kiến gì về việc Việt Nam xây dựng Luật An ninh mạng. “Đến giờ phút này, thông tin chính thức từ Chính phủ thì chưa có văn bản đề nghị của Google, Facebook về vấn đề này”, ông Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.

Về vấn đề đặt máy chủ tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, ông Hồng cho biết, đây là 2 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau giữa nhiều quốc gia trên thế giới. “Hiện có 18 quốc gia yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng phải lưu trữ dữ liệu tại các quốc gia này. Ví như tháng 5 vừa qua, EU đã chính thức yêu cầu Facebook phải lưu trữ dữ liệu tại các nước của EU”, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết thêm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội  cho hay:L “Trong Luật thông qua lần này chỉ lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam. Theo quy định Hiến pháp, đây là quyền nhân thân được pháp luật Việt Nam bảo hộ, xem như tài sản của công dân Việt Nam nên phải lưu trữ tại Việt Nam. Các DN nước ngoài, các DN khác khi cung cấp dịch vụ chỉ yêu cầu có trách nhiệm là bảo vệ bí mật của người dùng tại Việt Nam ”, ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định.