Với quy định sẽ cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ, từ trước ngày 1/7/2014, tức nới thêm 10 năm so với quy định cũ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bản mới nhất vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Tuy nhiên, không bởi thế mà vội mừng.
Sở dĩ nói như vậy vì quy định nới thời gian của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này không tạo cơ hội hợp thức hóa cho đất đai vi phạm. Bởi vì điều kiện để cấp giấy chứng nhận không thuộc các trường hợp như đất lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng và đất được giao trái thẩm quyền đã được quy định trong dự luật.
Hơn nữa, bản chất nội dung dự thảo nói trên không phải là mới mà đã được quy định tại các Luật Đất đai trước đây như 1993, 2003, 2013. Nó tiếp tục thực hiện tinh thần của luật cũ và chỉ thay đổi về điều chỉnh ranh giới thời gian đến trước ngày 1/7/2014, mở rộng đối tượng cấp sổ. Vì theo quy định tại Luật Đất đai 2013, để được cấp sổ đỏ nếu đất không có giấy tờ thì một trong những căn cứ quan trọng là phải sử dụng đất lâu dài, ổn định. Nhưng trong dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã không còn yêu cầu trên. Điều này giúp giảm thiểu khó khăn cho những cá nhân và hộ gia đình sử dụng đất không có giấy tờ, có cơ hội công nhận quyền sử dụng đất mà không cần phải thỏa mãn điều kiện thời gian dài như trước đây.
Không những thế, việc nới thời gian, nới đối tượng cấp sổ cũng tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất không giấy tờ được công nhận quyền sở hữu hợp pháp, yên tâm ổn định cuộc sống, nhất là ở nông thôn, các vùng sâu, xa, khó khăn. Bởi lẽ, quá trình sử dụng đất ở nhiều địa phương có không ít phát sinh biến động như cha mẹ để thừa kế, tặng cho, hộ gia đình tách hộ riêng để ở, bán bớt một phần đất… dẫn đến việc tách thửa, xây nhà trên đất. Trong khi đó, pháp luật đất đai qua các thời kỳ chưa kịp điều chỉnh nên nhà đất phát sinh này chưa được cấp sổ. Thực tế đó không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch… mà người dân sử dụng đất cũng bất an khi quyền lợi khó được bảo đảm vì chưa có sổ.
Chính vì vậy, dư luận mong rằng nội dung dự thảo nói trên sẽ được Quốc hội sớm thông qua, nhằm tháo gỡ được nút thắt trong quản lý đất đai, tránh lãng phí tài nguyên nhưng là với đất đang sử dụng không vi phạm, còn với đất vi phạm thì không có "cửa". Pháp luật nghiêm minh, không phải trò đùa để trục lợi.