Đây là hành vi tiếp tay cho nạn lừa đảo, làm tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, niềm tin của người dân.
Trong nhiều năm trở lại đây, việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thông qua sức ảnh hưởng của người nổi tiếng để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và để người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn đã không còn là hình thức mới mẻ.
Không chỉ quảng cáo trên truyền hình, các hoạt động quảng cáo sản phẩm trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok hay nền tảng trực tuyến là YouTube… ngày càng mở rộng. Video quảng cáo xuất hiện dày đặc với những lời tán dương quá lố về tác dụng thần kỳ của sản phẩm. Hàng loạt các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, u xơ, u nang, dạ dày, viêm gan, viêm họng... nhưng chưa biết chất lượng thực sự ra sao.
Việc nghệ sĩ dùng tên tuổi, sức hút truyền thông để quảng cáo cho sản phẩm là điều không sai nhưng việc quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không đúng với lời nói gây cho người tiêu dùng tiền mất, tật mang rất cần lên án. Mặc dù sai phạm đã rõ, nhưng đến nay rất ít nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi công chúng vì đã “lên sóng” “nổ” sai sự thật.
Họ xóa bài viết, điềm nhiên coi như không có chuyện gì xảy ra. Họ không quan tâm tới những khán giả, khách hàng là nạn nhân tin lời họ khiến tiền mất, tật mang. Thậm chí đã có nhiều bệnh nhân vì tin lời quảng cáo, bỏ cả điều trị để dùng thực phẩm chức năng và hậu quả là không cứu được tính mạng.
Không chỉ nghệ sĩ, nhiều tổ chức, cá nhân còn sử dụng danh nghĩa, hình ảnh bác sĩ, người nổi tiếng, cơ quan báo chí, truyền hình uy tín để quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc, như "thần dược"; quảng cáo khi chưa được xác nhận nội dung của cơ quan có thẩm quyền; quảng cáo không đúng nội dung được xác nhận, không đúng bản chất sản phẩm.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian qua, cơ quan này đã chuyển Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) xử lý 483 đường link (139 facebook, 6 youtube), chuyển Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) xử lý 89 website sàn thương mại điện tử. Cũng trong năm 2022, cơ quan chức năng đã xử lý 1.145 gian hàng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng.
Để chấn chỉnh hành vi trên, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ TT&TT; Bộ Công Thương; Bộ VH TT&DL; Bộ KH&ĐT; Bộ Công an; UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trong đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ VH TT&DL tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
Thế nhưng, điều đáng nói, mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều động thái chấn chỉnh tình trạng này nhưng vi phạm vẫn tái diễn. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng sự vào cuộc của ngành chức năng chưa thật nghiêm, hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe?
Đã đến lúc cùng với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh tay hơn nữa của cơ quan chức năng, sự thông thái của người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Trước khi dùng sản phẩm, người dân, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ, kiên quyết tẩy chay những sản phẩm được quảng cáo như “thần dược” chữa bách bệnh.