Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không lo tăng trưởng tín dụng thấp

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm 25/3/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,28% - mức tăng như vậy không phải là thấp.

Đây là thông tin được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại cuộc họp báo sáng 1/4.
Ưu tiên tín dụng cho sản xuất, kinh doanh
Trước thông tin về tín dụng thường có xu hướng năm sau tăng chậm hơn so với năm trước, lãnh đạo NHNN cho biết, mục tiêu chung của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và theo đó, các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng… phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để phục vụ mục tiêu này.
“NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, bằng mức khoảng 13,98% năm 2018. Trước đây, năm 2016 tín dụng đạt 122% GDP, đến năm 2017 lên 130%, năm 2018 NHNN đã điều hành kiểm soát theo hướng không để tỷ trọng này tăng lên mà duy trì ở mức 130% GDP. Và tăng trưởng tín dụng quý I năm nay cũng gần bằng với cùng kỳ năm 2018” - bà Hồng cho biết.
 Giao dịch tại Chi nhánh VietinBank Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng
Cùng với tăng trưởng tín dụng, NHNN yêu cầu các ngân hàng phát triển hoạt động cho vay phải luôn đi kèm với kiểm soát chất lượng tín dụng. Cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được ưu tiên. Cụ thể, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14% (năm 2018 tăng 14,58%, tỷ trọng 3,09%). Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12% (năm 2018 giảm 1,42%, tỷ trọng 3,01%).
Tín dụng đối với DN ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 0,36% (năm 2018 giảm 2,2%, tỷ trọng 0,36%). Tín dụng đối với DN nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 18% (năm 2018 tăng 15,57%).
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế… Đặc biệt, NHNN định hướng hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giám sát chặt tín dụng cho vay đối với các dự án BOT, BT,...
Cũng theo NHNN, hết quý I, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 - 9%/năm, trong khi lãi suất cho vay trung, dài hạn là 9 - 11%/năm. Riêng với lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay phổ biến khoảng 0,5%/năm.
Tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ
Về định hướng trong thời gian tới, bà Hồng cho biết, quý I/2019 tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, những yếu tố bất định vẫn còn phía trước với căng thẳng về thương mại hay tiến trình Brexit... Trên thị trường tài chính, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa qua cũng quyết định không tăng lãi suất trong năm 2019. Đồng thời một số ngân hàng trung ương trên thế giới có động thái giảm dần thắt chặt tiền tệ...
“Các diễn biến này và xu hướng của đồng USD trên thế giới không gây áp lực nhiều tới điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại khi tăng trưởng các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm, có thể sẽ tác động đối với xuất khẩu, đầu tư vào Việt Nam” - bà Hồng phân tích.
Trên cơ sở bám sát diễn biến, đại diện NHNN cho biết, thời gian tới NHNN sẽ có những giải pháp, phối hợp về liều lượng khác nhau để đảm bảo mức tăng trưởng đề ra cũng như chỉ tiêu về lạm phát. NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng từ đầu năm và sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Liên quan đến ngoại tệ, tỷ giá, Phó Thống đốc NHNN cho hay, năm 2019, tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục bị cắt giảm theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần từ quan hệ tiền gửi - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. NHNN đưa ra lộ trình đến 31/3 ngừng cho vay đối với nhu cầu nhập khẩu ngoại tệ ngắn hạn và đến 30/9 hạn chế tiếp nhu cầu vay dài hạn.
“Làm được điều này sẽ tạo cơ sở vững chắc, để thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng bởi hoạt động này”- Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh và cho biết, quý I/2019 khi thị trường thuận lợi, NHNN mua được rất nhiều ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng chống chịu cho thị trường này.

"Hết quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%. Đến ngày 31/1/2019, ước tính toàn hệ thống xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết này (riêng năm 2018 xử lý được 113,4 nghìn tỷ đồng). " - Nguồn: NHNN


Hiện Chính phủ giao NHNN chủ trì, nghiên cứu để đề xuất chính sách quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P). Theo đó, NHNN đề xuất cho thí điểm và coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện vì hình thức này có điểm thuận lợi do thủ tục nhanh, nhưng cũng có hệ lụy khi chưa có cơ chế kiểm soát.