Theo số liệu của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Thủ đô 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,15%, thấp hơn mức tăng 3,29% năm 2018. Ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị sản phẩm của toàn TP. Nguyên nhân được chỉ ra là bởi sự giảm sút của lĩnh vực chăn nuôi lợn do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lan rộng.
Cụ thể, từ khi xuất hiện hồi tháng 2/2019 tại quận Long Biên, đến nay, DTLCP đã lây lan ra 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn, với 28.189 hộ chăn nuôi (chiếm khoảng 35% tổng số hộ chăn nuôi) có lợn bị mắc bệnh. Tổng số lợn bị tiêu hủy do DTLCP đã lên tới trên 491.000 con (chiếm khoảng 27% tổng đàn lợn toàn TP), với trọng lượng lợn bị tiêu hủy khoảng 34.000 tấn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là trong công tác phòng, chống DTLCP. Và dù mức tăng trưởng từ đầu năm 2019 chưa đạt kỳ vọng, nhưng đó cũng là cố gắng rất đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế DTLCP. “Nếu không ngăn chặn được dịch bệnh lây lan, từ giờ tới cuối năm có thể không còn thịt lợn để bà con gói bánh chưng…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cảnh báo.
Lãnh đạo TP cũng cho rằng, dù đã có hướng dẫn tái đàn của Bộ NN&PTNT, tuy nhiên, TP chưa khuyến khích chủ trương này. Thay vào đó, các địa phương tập trung phát triển đàn gia súc lớn (trâu, bò, dê) và gia cầm đặc sản (gà Mía Sơn Tây, gà đồi Ba Vì - Sóc Sơn...). Đồng thời, tiếp tục mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai… Phấn đấu tăng sản lượng các lĩnh vực sản xuất ngoài chăn nuôi lợn để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt từ thịt lợn trong dịp cuối năm.
Cùng với phát triển đa dạng các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị các địa phương cố gắng bảo vệ đàn lợn hiện có, nhất là đàn lợn giống ông bà; tạo điều kiện cho công tác phục hồi chăn nuôi lợn về lâu dài. Những địa phương giáp ranh không nhập lợn giống, lợn thịt không rõ nguồn gốc về Hà Nội giết mổ. Đồng thời, làm tốt công tác an toàn sinh học để ngăn DTLCP lây lan.