Không thể chậm trễ!

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh giá cả hàng hóa không ngừng tăng cao, giá xăng, dầu tiếp tục lập đỉnh đang tạo gánh nặng lên người dân, DN và nền kinh tế.

Do đó, cùng với giảm thuế cho xăng, dầu, việc sử dụng các biện pháp để ghìm đà tăng của mặt hàng này, giảm áp lực lạm phát là không thể chậm trễ.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng giá xăng dầu. Giá xăng, dầu trong nước trong 5 tháng đầu năm đã tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.

Đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, giá xăng dầu cao còn tác động tới các ngành vận tải làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tác động tới hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ của DN. Từ đó, đẩy chi phí DN lên cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, gây áp lực lạm phát trong thời gian tới.

Do đó, để chặn đà tăng của giá xăng dầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giảm thêm thuế, phí. Hiện, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải gánh 38 - 40% thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng, dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng.

Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5 - 8%. Trong khi đó thu ngân sách chiếm từ 30 - 50% giá bán lẻ xăng, dầu trên mỗi một lít xăng, đây là dư địa rất lớn để nhà chức trách điều hành giá xăng, dầu.

Ví dụ, một lít xăng 30.000 đồng, dư địa điều hành còn khoảng 10.000 - 15.000 đồng, chứ không chỉ 2.000 đồng giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ đầu tháng 4 đến hết năm nay.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có những giải pháp tích cực để kiềm chế tốc độ tăng giá của xăng, dầu như: Sử dụng quỹ bình ổn, miễn giảm thuế bảo vệ môi trường, siết chặt thị trường, chống tăng giá. Tuy nhiên giá xăng, dầu chịu sự biến động theo giá thế giới nên trong ngắn hạn phải có những giải pháp tiếp theo.

Đặc biệt là cần đẩy mạnh quản lý xăng, dầu nhập khẩu cho đến đầu ra, chống buôn lậu, tiếp tục giảm các loại thuế trong xăng dầu nhằm kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá quá cao của mặt hàng này để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân.

Mới đây (ngày 13/6), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả và các giải pháp điều hành giá, bảo đảm cung cầu phù hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Các bộ, ngành liên quan cũng được yêu cầu đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất các loại thuế đang áp dụng đối với xăng, dầu để kiểm soát mặt hàng này.

Về phía Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm tối đa thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và cắt giảm 8% thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng.

Vẫn biết việc giảm thuế cho xăng dầu vẫn phải chờ Quốc hội đồng ý, song Bộ Tài chính cũng cần chủ động hơn, khẩn trương hơn trong đề xuất, triển khai giải pháp cụ thể nhằm sớm kìm giá xăng, dầu. Cũng cần phải lưu ý rằng, việc giảm thuế xăng, dầu chỉ nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế là chính sách trong giai đoạn trước mắt, còn thuế là chính sách dài hạn, cần sự ổn định trong thời gian nhất định.

Vì vậy, để hỗ trợ người dân, DN và phục hồi kinh tế, chỉ giảm thuế xăng, dầu thôi chưa đủ. Quan trọng vẫn cần có các biện pháp giám sát thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng để ổn định thị trường.