Đầu giờ sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 109 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu.
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại Tổ về kinh tế - xã hội gửi đến các đại biểu Quốc hội. Theo đó, đa số ý kiến đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, các báo cáo đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII của Đảng và có cái nhìn tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua, không “tô hồng” mà nhìn thẳng vào sự thật, cầu thị, chỉ ra nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Về kết quả nổi bật đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bối cảnh rất khó khăn, kinh tế nước ta vẫn dự kiến tăng trưởng dương, đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu; có nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; an ninh quốc phòng được củng cố, trật tự xã hội được giữ vững.
Cần ghi nhận khả năng thích ứng với tình huống bất ngờ của hệ thống chính trị của nước ta; vị thế và mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã được tăng cường. Có ý kiến cho rằng, các chỉ số trong 6 tháng đầu năm rất ấn tượng; tuy 4 chỉ tiêu không đạt nhưng xấp xỉ đạt kế hoạch đề ra cũng là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Chính phủ, làm cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân yên tâm và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để cùng nhau vượt qua đại dịch trong thời gian tới.
Một số ý kiến cho rằng, đạt được kết quả đó, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo, điều hành đúng, trúng của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, địa phương.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, một số ý kiến cho rằng, trong số 4/12 chỉ tiêu không đạt có những chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng GDP, thu nhập bình quân đầu người,… đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan để có cơ sở đưa ra giải pháp cho phù hợp.
Một số ý kiến cho rằng, dù nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh Covid-19, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên liệu, vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao, việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, máy móc thiết bị nhập khẩu bị gián đoạn; tuy nhiên, vẫn có nhiều nguyên nhân khác như: việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, công tác quản lý điều hành bộc lộ nhiều hạn chế…
Về đầu tư phát triển, nhiều ý kiến đề nghị tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (trong đó lưu ý đến nguồn vốn ODA), nhất là đối với các công trình trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng đã có chủ trương đầu tư (như: cảng biển, sân bay…) để thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo việc làm.
Một số ý kiến đề nghị rà soát, phân loại, phân tích sâu các nguyên nhân để tìm ra giải pháp thiết thực để khắc phục việc giải ngân chậm; sớm tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, rào cản trong đầu tư (nhất là vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng). Công bố công khai bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân chậm và tính toán các phương án điều chuyển vốn đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương nếu không thực hiện theo kế hoạch.
Có ý kiến đề nghị xây dựng Danh mục đầu tư công phù hợp để vừa phục hồi kinh tế vừa giải quyết được những vấn đề yêu cầu của cuộc sống; cắt giảm các dự án chưa cần thiết. Có giải pháp để huy động nguồn vốn từ xã hội hóa và các ngân hàng thương mại để đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, từ đó tạo đà kích hoạt đầu tư phát triển cho năm 2022.
Một số ý kiến đề nghị thực hiện nghiêm quy định, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên về đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ, tránh đầu tư dàn trải; phân bổ nguồn lực cần thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, bảo đảm công bằng, minh bạch.
Đề nghị ưu tiên vốn cho các địa phương, các dự án có tỷ lệ giải ngân tốt. Quan tâm nâng cấp cửa khẩu, các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của khu vực Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực vùng núi, biên giới, giải quyết dứt điểm các đoạn đường đang xây dựng dở dang, xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.
Có cơ chế đặc thù để đầu tư phát triển cho vùng an toàn khu ATK; tăng cường nguồn lực để thực hiện chủ trương phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một số ý kiến đề nghị đánh giá sâu về xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI để có định hướng thu hút hiệu quả; xem xét đánh giá lại các dự án sử dụng nguồn vốn FDI này.
Về nông nghiệp và phát triển nông thôn, theo báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận tại Tổ về KT-XH gửi đến các đại biểu Quốc hội, có ý kiến cho rằng, giải pháp phát triển nền kinh tế nông nghiệp chưa được đề cập sâu trong Báo cáo, cần nhìn nhận, xác định nghiêm túc tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp trong những lúc nền kinh tế gặp khó khăn.
Có ý kiến đề nghị xây dựng chiến lược nông nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 mang tính dài hạn, tổng thể, bao trùm. Đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; có chính sách phát triển nông nghiệp cụ thể hơn, quy hoạch phân vùng, liên kết vùng sát hơn.
Một số ý kiến đề nghị có chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ chi phí cho người nông dân. Có các chính sách hỗ trợ kịp thời để khôi phục và tạo đà phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; khơi thông thị trường xuất khẩu, đầu tư nguồn lực, nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; mở rộng sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng, các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng thêm thị phần xuất khẩu.
Một số ý kiến đề nghị có giải pháp bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản được phát triển bền vững, ổn định, quan tâm mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Coi trọng và phát huy vai trò của hợp tác xã, quan tâm đến chuỗi cung ứng hợp tác xã, chuyển hóa vùng nguyên liệu, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đề nghị có chính sách tiêu thụ, bình ổn giá.
Có ý kiến đề nghị có cơ chế phù hợp để người dân ở miền núi và Tây Nguyên trồng dược liệu dưới tán rừng để vừa giữ rừng, vừa tăng thêm thu nhập. Đề nghị tính toán sinh kế cho đồng bào, người dân có rừng, đặc biệt đối với rừng tự nhiên và rừng sản xuất theo hướng tăng mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng hoặc nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ có chiến lược lâu dài để phát triển đội ngũ tàu biển của Việt Nam vừa giúp phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh quốc gia.
Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện đồng bộ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế; sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhất quán để địa phương có căn cứ thực hiện; tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số tại các địa bàn thụ hưởng của 3 Chương trình này để thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra, giảm chồng chéo, tránh lãng phí nguồn lực.
Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia và các tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chính phủ cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; xây dựng bố trí nguồn lực có hiệu quả cho Chương trình; xem xét lại sự phù hợp của các mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã để đầu tư; có chính sách phù hợp khi chuyển đổi lao động làm nông nghiệp từ nông thôn ra thành thị...