KTĐT - Báo cáo của Ủy ban chuyên về biến đổi khí hậu liên chính phủ của Liên hợp quốc (IPCC) chỉ ra, lớp băng bao phủ trên đảo Greenland hoàn toàn tan chảy dường như là điều không thể tránh khỏi.
Mức độ tan chảy lớp băng trên đảo Greenland vượt quá sức tưởng tượng của giới khoa học.
Theo số liệu và mô hình do Cục khí tượng Đan Mạch cung cấp, về mặt lý thuyết, trong vòng 30 năm tới, số lượng tuyết rơi hàng năm trên đảo Greenland không thể bù đắp được số lượng nước mất đi do sự tan chảy của các tảng băng trong cùng một năm.
Nếu con người không hành động gì với sự gia tăng biến đổi khí hậu hiện nay, sau 30 năm nữa tất cả các tảng băng trên đảo Greenland sẽ rất khó khôi phục ở mức như hiện nay.
Nhà khoa học Jens Christensen, một trong những tác giả của Báo cáo cho biết, sự biến mất của lớp băng trên đảo Greenland sẽ khiến cho bề mặt nước biển trên toàn cầu dâng cao và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với một số khu vực.
Đảo Greenland nằm giữa Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương, diện tích hơn 2 triệu km2, trong đó có khoảng 1,7 triệu km2 được bao phủ bởi tăng tuyết.
Theo các nhà khoa học, do ảnh hưởng của hoạt động con người và biến đổi khí hậu, những lớp băng vĩnh cửu trên đảo Greenland trong mấy năm gần đây tan chảy với tốc độ nhanh.
Mùa hè năm 2010, diện tích băng tản chảy trên đảo Greenland cao hơn 25% đến 50% so với các năm bình thường khác. Tất cả hiện tượng này là lời cảnh báo với con người, ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu là việc làm ngày càng cấp bách./.