Không xét tuyển sớm giúp hạn chế nhiều bất cập trong tuyển sinh

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ đợt tuyển sinh năm 2023, Bộ GD&ĐT khuyến cáo các cơ sở không xét tuyển sớm mà tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thông tin này thu thút sự quan tâm của nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên bậc THPT.

Xét tuyển sớm  gây mất công bằng

Xét tuyển sớm là hình thức xét tuyển áp dụng các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT như: Xét học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng… Khi thí sinh nộp hồ sơ theo hình thức xét tuyển sớm, nếu đủ điều kiện và nhận được thông báo kết quả đã trúng tuyển thì được gọi là trúng tuyển sớm.

Học sinh khối 12 năm học 2022- 2023 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH trong tháng 6/2023
Học sinh khối 12 năm học 2022- 2023 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH trong tháng 6/2023

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 18 phương thức xét tuyển được áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm 2022 thì chỉ 4 phương thức có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu). Như vậy, với 14 phương thức còn lại, thí sinh đều có thể nộp hồ sơ xét tuyển sớm.

Ngoài những điểm tích cực trong công tác tuyển sinh 2022, Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn liên quan đến xét tuyển sớm. Đó là, có trường tổ chức xét tuyển sớm theo học bạ dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều; có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu, vì vượt chỉ tiêu nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng. "Việc xét tuyển sớm ở một góc độ nào đó gây mất công bằng cho thí sinh, không lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt nhất"- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy nhận định. 

Không chỉ gây bất cập cho một số nhà trường, việc xét tuyển sớm cũng mang đến nhiều phiền lụy cho học sinh và thầy cô giáo. Nguyễn Phương Trang, sinh viên năm nhất, khoa Kinh tế Đối ngoại (ĐH Ngoại thương) nhớ lại: “Khoảng tháng 2/2022, khi em và nhiều bạn khác rất tập trung học để ôn thi tốt nghiệp THPT thì trong lớp có 1-2 bạn học rất lớt phớt, đến lớp chủ yếu ngồi chơi và làm việc riêng. Các bạn nói, đỗ đại học rồi, chỉ thi tốt nghiệp thì không cần học nhiều. Việc này làm mất tinh thần và ý chí học tập của chúng em- những người đang nỗ lực ôn tập dự thi tốt nghiệp”.

Tổ chức các phương thức cùng đợt

Trong năm đầu tiên triển khai việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, nộp lệ phí xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến, Bộ GD&ĐT quy định, trước 17 giờ ngày 21/7/2022, các trường ĐH hoàn tất việc xét tuyển sớm. Tuy nhiên, thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT (tức sau 0 giờ ngày 24/7/2022) và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.

Có 18 phương thức tuyển sinh được áp dụng trong kỳ tuyển sinh 2022
Có 18 phương thức tuyển sinh được áp dụng trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2022

Để tăng cơ hội trúng tuyển, học sinh hối hả nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm vào các trường đại học khác nhau. Với mỗi trường, các em lại phải thực hiện nhiều thủ tục khai báo và các minh chứng, trong khi theo quy định thí sinh vẫn phải khai báo trên hệ thống chung, từ đó gây nhiễu loạn thông tin, làm cho thí sinh nhầm lẫn, sai sót. Có nhiều thí sinh xác định xét tuyển sớm là phụ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT mới là chính nhưng cuối cùng vì đăng ký nhiều phương thức dẫn đến mất phương hướng, cảm tính trong sắp xếp nguyện vọng.

Bày tỏ về việc có thể không xem xét phương thức tuyển sinh sớm trong kỳ tuyển sinh 2023, em Nguyễn Hà Thương, học sinh lớp 12 trường THPT Thăng Long cho biết, việc này không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của em cũng như nhiều bạn trong lớp, trong khối. “Lớp em các bạn có kế hoạch xét tuyển ĐH bằng nhiều phương thức khác nhau và việc đăng ký xét tuyển cùng lúc- sau kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ khiến em tập trung hơn để ôn thi cũng như trong quá trình xác định nguyện vọng và hoàn tất các thủ tục cần thiết. Em không thích kiểu đăng ký nguyện vọng rải rác ở nhiều thời điểm và cùng nội dung lại phải đkhai báo nhiều lần trên các hệ thống khác nhau”.

“Năm trước, trong các giờ học ôn thi, tôi thường mất nhiều thời gian dừng lại nhắc nhở các học sinh đã đỗ ĐH bằng hình thức xét tuyển sớm không học thì trật tự để các bạn khác học. Việc bỏ xét tuyển sớm ít nhất sẽ làm giảm thiểu tình trạng mất tập trung của học sinh trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc”- thầy Phạm Văn Hà, giáo viên THPT tại quận Đống Đa bày tỏ.

Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia chia sẻ: Việc không thực hiện xét tuyển sớm, mà tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT- tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có thời gian tập trung học tập và đạt kết quả thi cao nhất, sau đó mới quay sang đăng ký nguyện vọng vào trường mình mong muốn. Khi thí sinh đăng ký nguyện vọng tập trung vào một đợt cũng tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh nói chung, trong đó có vấn đề đảm bảo chất lượng đầu vào.

Hiện tại, cùng việc đề nghị các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023, Bộ cũng định hướng các đơn vị về công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi- khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần