Theo thống kê, ngày đen tối nhất nước Mỹ thời điểm đó đã làm 3.051 trẻ em dưới 18 tuổi mất cha mẹ, có những em nhỏ còn không có bất kỳ một ký ức nào về đấng sinh thành. Gần đây, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết thông qua một dự luật cho phép gia đình các nạn nhân khởi kiện chính phủ Ả Rập Saudi về những mất mát mà họ phải hứng chịu. Được biết, trong số 19 không tặc tham gia các vụ cướp máy bay năm đó, có 15 tên là công dân Ả Rập Saudi. Dự luật được phê chuẩn bất chấp việc Nhà Trắng “dọa” sẽ phủ quyết. Sở dĩ Nhà Trắng nghi ngại trước dự luật trên, bởi nó có thể thiết lập một tiền lệ cho các công dân nước ngoại kiện Chính phủ Mỹ.
Sau vụ tấn công, chính phủ Mỹ đã tốn một khoản chi tiêu lên tới 589 tỷ USD cho các hoạt động phòng vệ. Kể từ đó đến nay, chính phủ Mỹ đã chi tới gần 4.000 tỷ USD cho an ninh nội địa. Tuy nhiên cuộc khảo sát gần đây do Hội đồng các Vấn đề Thế giới cho thấy, gần một nửa số công dân Mỹ vẫn cảm thấy kém an toàn hơn so với trước ngày 11/9/2001.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những khoản chi khổng lồ cho an ninh nội địa là “thủ phạm” khiến nợ công của Mỹ tăng vọt. Ước tính tới năm 2023 chỉ tính riêng tiền lãi phải trả cho các khoản chi phục vụ chiến dịch đánh đòn phủ đầu ở nước ngoài của chính quyền Washington sẽ khiến nợ công tăng thêm hơn 1.000 tỷ USD. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng ngân sách cho an ninh nội địa quá nhiều, những chương trình hệ thống vũ khí tốn kém, làm cho ngân sách quốc phòng “quá tải”. Ngoài ra, tình trạng gian lận và lạm dụng trong tái thiết các công trình đặc biệt là tại Afghanistan cũng làm thất thoát hàng tỷ USD… ngân sách của chính quyền Tổng thống Obama.Phát biểu tại lễ tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố cách đây 15 năm, Tổng thống Barack Obama kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết trong khi cuộc chiến chống khủng bố còn “dai dẳng”. Trên thực tế, suốt 15 năm qua, trong khi Mỹ vẫn “quẩn quanh” với cuộc chiến chống khủng bố đầy “cam go”, thì châu Âu và Đông Nam Á đã trở thành mục tiêu hàng đầu với loạt vụ tấn công kinh hoàng. Nếu trước đây là Al-Qaeda thì nay, thế giới đang đối mặt với một nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ngoài ra, số lượng những “sói đơn độc” từ cuộc khủng hoảng người di cư cũng gia tăng đáng kể, chúng không nằm trong danh sách thành viên của tổ chức khủng bố nào. Nhiều vụ tấn công mang tính tự phát cùng với đó là sự phát triển của mạng xã hội càng làm tư tưởng cực đoan lan rộng và khó kiểm soát.Trong nỗ lực chống khủng bố, Thủ tướng Thái Lan và Malaysia mới đây đã nhất trí thúc đẩy hợp tác xây dựng bức tường dọc biên giới. Còn tại Indonesia – nơi có khoảng 700.000 người đã gia nhập IS, biện pháp chống khủng bố ưu tiên “đáp ứng tại chỗ” trở nên quan trọng với cách tiếp cận đa phương diện… Tuy nhiên, việc hàng nghìn tỷ USD được chi ra cũng như có hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng cho thấy cuộc chiến này vẫn còn dai dẳng và dường như không có hồi kết khi thiếu những giải pháp nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng, xung đột giữa phương Tây và tư tưởng Hồi giáo cực đoan.