Khung pháp lý trong đánh giá cán bộ, công chức: Tăng tính thực chất

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy định về đánh giá cán bộ, công chức (CBCC) là một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức. Trong đó việc khoa học và chặt chẽ trong phương pháp đánh giá là nội dung được nhấn mạnh.

Làm rõ thẩm quyền đánh giá
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp vừa qua đã tiếp tục có những thay đổi trong quy định về đánh giá CBCC.
Trong đó, đã làm rõ thẩm quyền đánh giá CBCC theo hướng CBCC lãnh đạo, quản lý do cấp có thẩm quyền quản lý đánh giá; viên chức lãnh đạo quản lý do người có thẩm quyền bổ nhiệm đánh giá; công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đánh giá.
 Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Công Hùng
Dự Luật cũng sửa đổi, bổ sung Điều 58 về phân loại đánh giá công chức. Trong đó, căn cứ vào kết quả đánh giá, công chức được phân loại đánh giá theo các mức như sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả phân loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức được đánh giá và công khai trong phạm vi quản lý. Công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.
Bên cạnh hình thức buộc thôi việc, Dự Luật cũng quy định một số hệ quả pháp lý khi công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hình thức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức (chỉ áp dụng cho chức danh lãnh đạo).
Cần chặt chẽ hơn
Những nội dung đã được bổ sung này dù được nhận định là khá chặt chẽ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn thiếu quy định về phương pháp đánh giá như thế nào để có kết quả chính xác. Bởi Luật CBCC hiện hành cũng đã quy định về cách thức phân loại công chức và xác định rõ hệ quả pháp lý khi công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng theo báo cáo tổng hợp của Bộ Nội vụ chỉ có 0,59% tổng số công chức và 0,38% tổng số viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tính chính xác của số liệu này đang khiến dư luận xã hội nghi ngờ vì không phản ánh đúng thực trạng số lượng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Theo đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), cần bổ sung quy định về phương pháp đánh giá CBCC theo hướng dựa trên kết quả điều tra, sát hạch định kỳ hay thăm dò ý kiến Nhân dân, bỏ phiếu… Bởi đánh giá CBCC là khâu có ý nghĩa quan trọng trong công tác cán bộ. Kết quả đánh giá là cơ sở quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cũng như để loại bỏ CBCC không đủ năng lực, uy tín, phẩm chất ra khỏi bộ máy.
Một số ý kiến cho rằng, Dự Luật quy định đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của CBCC phải gắn với vị trí việc làm thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Theo đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) nên xem xét bổ sung quy định công chức có nhiệm vụ thống kê số lượng đầu công việc đã xử lý trong năm, bao gồm cả công việc chuyên môn gắn với vị trí việc làm và các nhiệm vụ khác được giao.
Qua đó, cũng xác định được hiệu quả sử dụng công chức của cơ quan đơn vị. Như vậy mới khắc phục được tình trạng làm nhiều sai nhiều, không làm không sai hoặc chọn việc mà làm của một bộ phận công chức hiện nay, tiến tới là nâng cao chất lượng của công chức.
Cùng với đó, ngoài việc xác định cụ thể các phương thức đánh giá CBCC, viên chức theo hướng xuyên suốt, liên tục và đa chiều, nhiều quan điểm cho rằng, nên có quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đánh giá theo hướng căn cứ vào đặc điểm ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn. Qua đó xây dựng các tiêu chí đánh giá mang tính định lượng, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả đánh giá để tăng tính thực chất, tránh tình trạng cào bằng, chung chung.