Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện, toàn TP có 17.205 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có khoảng 1.000 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Đáng chú ý, TP đã có một số cơ sở chế biến nông sản lớn như: Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì); nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao của Công ty TNHH Ba Huân (huyện Phúc Thọ)…
Tuy nhiên, số lượng các cơ sở, DN chế biến vẫn còn khiêm tốn; dây chuyền công nghệ lạc hậu, chủ yếu là sơ chế nên sản phẩm chưa đa dạng. Nguyên nhân là phần lớn DN, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thiếu vốn để đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở, DN cũng như thúc đẩy phát triển ngành chế biến nông sản, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về triển khai cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, TP sẽ hình thành từ 1 - 3 cơ sở, khu chế biến nông sản, trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản; xây dựng dự án, kế hoạch hình thành phát triển trung tâm dây chuyền chiếu xạ tập trung, bảo quản nông, lâm, thủy sản tại các huyện, thị xã trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 20% số cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO.
Bên cạnh đó, TP hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để đạt mục tiêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đi đôi với tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, TP khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Sở tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung phát triển các loại cây, con gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu để tạo thuận lợi cho DN thu mua sản phẩm và chế biến được nhiều mặt hàng chất lượng. Phối hợp với sở, ngành tham mưu cho TP có chính sách hỗ trợ DN mở rộng sản xuất, nhất là về vốn, mặt bằng, lao động, tìm kiếm thị trường...” – ông Tường nhấn mạnh.