Sở NN&PTNT vừa phối hợp với UBND huyện Gia Lâm tổ chức "Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông". Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là nông dân, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã trên địa bàn huyện Gia Lâm; cùng đội ngũ cố vấn là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.
Giải đáp kịp thời những băn khoăn
Những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức thường xuyên được ngành nông nghiêp Hà Nội và huyện Gia Lâm hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật sản xuất cho thành viên. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì hiệu quả việc sản xuất kinh doanh 250ha rau an toàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh kiến nghị TP, UBND huyện Gia Lâm, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ xã về vấn để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, quỹ đất sản xuất.
Giải đáp câu hỏi này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết: về chính sách tín dụng, HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức đã tiếp cận được nguồn vốn vay của Quỹ khuyến nông TP bằng hình thức thế chấp tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của các thành viên tham gia Ban quản trị HTX.
Với vay vốn để phát triển sản xuất liên kết với các tổ chức tín dụng thì Nghị quyết Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐNcủa HĐND TP Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP đã nêu rất rõ: TP sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn của tổ chức tín dụng trong thời hạn 3 năm, tương ứng với tiến độ giải ngân. Lãi suất này đều được trả theo hợp đồng vay vốn giữa đơn vị vay vốn và đơn vị cho vay vốn.
Về đất đai, theo ông Đoàn Đức Dân, đây không chỉ là vấn đề riêng của Gia Lâm mà ở tất cả hầu hết các quận, huyện trên địa bàn. Trong đó, nổi cộm nhất là thời hạn hợp đồng nông dân, chủ trang trại ký với địa phương để xây dựng mô hình trang trại trước đây theo quy định là 5 năm. Để tạo thuận lợi và khuyến khích nông dân, hợp tác xã phát triển sản xuất, Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi) sắp được đưa vào triển khai chắc chắn sẽ tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc liên quan đến hợp đồng thuê đất của các hộ dân, thuê đất của các địa phương. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu với UBND TP có văn bản hướng dẫn cụ thể tới các địa phương, người dân.
Chuyển đổi, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại
Thông tin về định hướng phát triển nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết: mặc dù mục tiêu phấn đấu phát triển thành quận vào cuối năm 2024, song Gia Lâm luôn xác định lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên quan tâm đầu tư. Hàng năm huyện đã đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng khuyến khích sản xuất và hỗ trợ nông dân về giống và kỹ thuật, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng mô hình thử nghiệm giống cây trồng mới, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Quá trình đô thị hoá mạnh khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, sản xuất nông nghiệp của huyện cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức về thị trường giá cả, đầu ra không ổn, biến đổi khí hậu khó lường, thời tiết cực đoan. Tuy vậy, cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn chuyển dịch tích cực, nhiều tiến bộ khoa học mới được ứng dụng vào sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng.
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 606 tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch năm và tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, toàn huyện Gia Lâm hiện có 1.070ha lúa, trên 1.000ha rau màu các loại, hơn 1.800ha cây ăn quả tập trung; hoa cây cảnh hơn 300ha; 660ha trang trại tổng hợp… Huyện có tổng đàn đàn trâu bò đạt trên 6.800 con, trong đó đàn bò sữa là 1.952 con cho sản lượng sữa ước đạt 17 tấn/ngày; đàn gia cầm, thuỷ cầm đạt 298.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản 265 ha.
Đáng chú ý, tổng số hộ chăn nuôi trên địa bàn 3.400 hộ (khoảng 85% số hộ là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, trong khu dân cư). Thực hiện nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội, đến nay thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên của huyện không còn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tại các xã: Văn Đức, Trung Mầu, Phù Đổng, Lệ Chi, Đặng Xá với tổng diện tích quy hoạch 20,3ha cũng đang thực hiện các phương án chuyển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư.
“Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, chưa gắn được sản xuất đi đôi với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… luôn là trăn trở của các nhà quản lý và nông dân. Do đó, diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông là cơ hội giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cũng như tổ chức lại sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.”- ông Trương Văn Học thông tin.
Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP. Diễn đàn đã lan tỏa hiệu quả và tạo được uy tín với sự tham gia của Ban cố vấn là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, thủy sản, trồng trọt - bảo vệ thực vật.Ban cố vấn không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của Nhà nước, TP về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương