Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kìm cương giá vàng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ngày thấp thỏm chờ đợi, cuối cùng phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức đã được ấn định vào đầu tuần này. Theo đó, NHNN sẽ tung 16.800 tấn vàng miếng SJC bán đấu giá.

Giá vàng trong nước có nhiều biến động trong thời gian vừa qua. Ảnh Trần Việt
Giá vàng trong nước có nhiều biến động trong thời gian vừa qua. Ảnh Trần Việt

 Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng. Khối lượng tối đa được phép đặt thầu là 20 lô tương đương 2.000 lượng.

Việc đấu thầu vàng của NHNN được đưa ra trong bối cảnh giá vàng thế giới gần đây liên tục phá đỉnh, kéo theo đà tăng trong nước. Mỗi lượng vàng miếng SJC giao dịch quanh ngưỡng 84 - 85 triệu đồng, tăng gần 15% so với đầu năm. Chênh lệch vàng trong nước với thế giới lên tới 17 - 18 triệu đồng/lượng. Có thời điểm 20 triệu đồng/lượng.

Song cũng không ít ý kiến băn khoăn với mức tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra sát với giá bán lẻ của các DN trên thị trường hiện nay (82 triệu đồng/lượng mua vào - 84 triệu đồng/lượng bán ra) liệu có giúp giá vàng trong nước giảm sâu? Liệu kìm cương được lâu không khi mà vàng thế giới ngày càng tăng, đến phiên cuối tuần đã ở ngưỡng 2.400 USD/ounce.

Các chuyên gia cho rằng, giá tham chiếu đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng mà NHNN đưa ra, bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, khả năng giá trúng thầu sẽ ở ngưỡng đâu đó quanh 82 triệu đồng/lượng.

Với mức giá đóng cửa phiên cuối tuần vàng thế giới ở mức 2.391,2 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 73,47 triệu đồng/lượng.

Không thể phủ nhận, từ sau khi NHNN thông tin sẽ đấu thầu tăng cung vàng cho thị trường đã tác động tới tâm lý thị trường. Giá vàng trong nước đã giảm nhiệt, không còn tăng liên tục mà có những phiên giảm, thậm chí đi ngang.

Có thể hiểu việc NHNN đưa ra mức tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng là do bối cảnh vàng trên thị trường thế giới đạt mức kỷ lục lên trên 2.400 USD/ounce vào tuần trước và được dự báo xu hướng tăng chưa kết thúc do nhiều yếu tố, trong đó có xung đột căng thẳng ở Trung Đông, thúc đẩy vai trò truyền thống của vàng như một tài sản an toàn.

Tuy nhiên, về lâu dài, nếu chỉ dựa vào đấu thầu để tăng cung vàng, NHNN sẽ không thể giảm sâu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Thực tế, trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng T.Ư độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hơn chục năm qua, cơ quan quản lý tiền tệ độc quyền sản xuất vàng miếng và chỉ thuê Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gia công khi có nhu cầu. Nguồn cung kim loại quý không tăng thêm suốt thời gian dài khiến giá bị đẩy lên cao khi cầu tăng, chênh lệch cao với thị trường thế giới.

Chính vì thế, cùng với đấu thầu vàng, NHNN vẫn phải tính tới giải pháp tăng cung cho thị trường thông qua việc cho các DN nhập vàng nguyên liệu và bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Thay vì chạy theo thị trường, NHNN cần chủ động cho nhập khẩu vàng và áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Xóa bỏ chênh lệch phi lý của giá vàng trong nước và thế giới cần những biện pháp thương mại, không phải là biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng. Việc này vừa tăng nguồn cung, tránh được nhập lậu vàng và thất thu thuế.

Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, như việc phát hành tín phiếu để tăng lãi suất liên ngân hàng, qua đó giảm lãi suất USD, VND, giảm áp lực tỷ giá tương đối đáng kể.

NHNN cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối. Mặt khác, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng, dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác.

Để giữ bình ổn thị trường vàng, điều quan trọng nhất là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Rất mừng là mấy năm gần đây, Chính phủ đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tiền đồng, giá bất động sản đã giảm và vàng từ từ rồi cũng sẽ bình ổn khi triển khai một loạt các giải pháp mang tính thị trường, tạo sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước với quốc tế.