Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng tại quận Cầu Giấy: Luôn thấu hiểu người dân

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở bất cứ dự án nào khi Nhà nước thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng sở tại. Tuy nhiên, với việc đặt mình vào vị trí người bị thu hồi đất để thấu hiểu, chia sẻ khó khăn với những người bị ảnh hưởng, từ đó đưa ra giải pháp hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật, công tác GPMB trên địa bàn quận Cầu Giấy luôn đảm bảo tiến độ đề ra.

 Ảnh minh họa
Dấu ấn trong việc di chuyển mộ

Khi nhắc đến những điểm sáng trong công tác GPMB tại quận Cầu Giấy, một trong những điều khiến người ta ấn tượng nhất đó chính là việc di chuyển các ngôi mộ, đặc biệt là mộ tổ của các dòng họ. Và việc di chuyển khu mộ có 5 ngôi mộ tổ của dòng Nguyễn Khả tại dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long trong năm 2017 là một ví dụ điển hình. Theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngoài việc thực hiện nghiêm theo các bước đã được quy định trong công tác GPMB, các đơn vị có chức năng của quận đã tích cực tuyên truyền vận động, đối thoại, giải thích, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của người bị thu hồi đất, đặc biệt là các trường hợp liên quan đến việc phải di chuyển mộ.

Cũng theo lãnh đạo quận Cầu Giấy, cũng giống như các trường hợp khác, khi mới có quyết định thu hồi đất để mở rộng đường Vành đai 3, dòng họ Nguyễn Khả không đồng tình với việc di chuyển 5 ngôi mộ tổ có từ lâu đời. Thế nhưng, nhờ bám sát cơ sở, tích cực tuyên truyền vận động, thuyết phục dòng họ đã đồng ý di chuyển khu mộ tổ. Cụ thể, ngày 12/2/2018 (đêm ngày 27/12 Âm lịch Tết năm 2017), UBND quận đã phối hợp với Ban Phục vụ tang lễ TP và dòng họ thực hiện việc thuê máy đào tìm, di chuyển xong 5 ngôi mộ tổ về đặt tại Nghĩa trang Mai Dịch, đồng thời bàn giao ngay mặt bằng cho chủ đầu tư dự án theo đúng tiến độ.

Lấy người bị thu hồi đất làm trung tâm

Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm trong công tác GPMB nói chung và di chuyển các ngôi mộ nói riêng, ông Trần Đông Dực – Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất quận Cầu Giấy cho biết, để có được những kết quả nói trên, điều đầu tiên chính là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ quận đến phường. Cụ thể, tại dự án, UBND quận đã huy động các lực lượng thành thạo về công tác GPMB để tập trung thực hiện dự án. Lãnh đạo quận trực tiếp giao ban hàng tuần về công tác GPMB tại các phường có dự án. Bên cạnh đó, Quận ủy cũng như các phường đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động để tăng cường vận động sâu đến từng đối tượng bị thu hồi đất với phương châm lấy người dân có đất bị thu hồi là trung tâm của công tác GPMB.

Cùng với đó, quận Cầu Giấy đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu nại. Tăng cường trực tiếp đối thoại giữa lãnh đạo quận, phường và cơ quan thường trực hội đồng GPMB với người dân có đất bị thu hồi về phương án, cơ chế chính sách,… để vận động, giải thích, thuyết phục. Đồng thời, tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp, giảm bớt bức xúc của người dân có đất bị thu hồi nhằm đảm bảo tiến độ GPMB dự án. Trong đó, việc di chuyển khu mộ tổ của dòng họ Nguyễn Khả là một ví dụ điển hình. Nói như vậy là bởi, sau khi dòng họ đã đồng thuận di chuyển các phần mộ vào Nghĩa trang Mai Dịch, UBND quận đã có văn bản báo cáo UBND TP xem xét, có văn bản báo cáo Ban Tổ chức T.Ư, Văn phòng T.Ư Đảng chấp thuận theo đề nghị của dòng họ được di chuyển 5 ngôi mộ tổ của dòng họ vào Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.