Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Mỹ phân hai mảng sáng tối

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các số liệu công bố ngày 1/11 cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, nhưng tốc độ rất chậm chạp. Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 9/2010, chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này tiếp tục tăng, nhưng chỉ ở mức 0,2%

KTĐT - Các số liệu công bố ngày 1/11 cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, nhưng tốc độ rất chậm chạp. Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 9/2010, chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này tiếp tục tăng, nhưng chỉ ở mức 0,2%

Bức tranh kinh tế Mỹ tiếp tục phân rõ hai mảng sáng tối, khi có thêm những dấu hiệu trái ngược nhau về tình hình sản xuất công nghiệp và chi tiêu tiêu dùng, trong bối cảnh sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, chắc chắn ít nhiều sẽ có sự thay đổi trong chính sách điều hành nền kinh tế.

Một bức tranh, hai gam màu đối ngược

Các số liệu công bố ngày 1/11 cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, nhưng tốc độ rất chậm chạp. Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong tháng 9/2010, chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này tiếp tục tăng, nhưng chỉ ở mức 0,2%, thấp hơn so với 0,5% của tháng 7 và 8.

Tuy nhiên, tính chung quý 3 năm 2010, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ vẫn tăng 2,6% so với một năm trước - mức tăng mạnh nhất kể từ cuối năm 2006, thời điểm mà con số này đạt 4,1%.

Theo giới phân tích, sở dĩ chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng chậm lại trong tháng 9/2010 là do thu nhập của các hộ gia đình đã giảm 0,1%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 7/2009, khi cuộc suy thoái chính thức chấm dứt.

Trong tháng 8/2010, thu nhập của các hộ gia đình Mỹ đã tăng 0,4%, nhờ việc Chính phủ nối lại chương trình trợ cấp thất nghiệp mở rộng, vốn tạm thời bị đình lại hồi tháng 7/2010 sau khi Đảng Cộng hòa bác đề xuất gia hạn.

Tuy nhiên, chương trình này sẽ chính thức hết hiệu lực vào cuối tháng 11 này, và hiện vẫn chưa rõ liệu đảng Dân chủ có thể tìm đủ số phiếu để tiếp tục gia hạn chương trình này trong những ngày cuối nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay hay không.

Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường comScore, hoạt động bán lẻ trực tuyến của Mỹ tiếp tục tăng quý thứ 4 liên tiếp, khi tăng thêm 9% trong quý 3 năm 2010, đạt 32,1 tỷ USD.

Trong khi đó, báo cáo của Viện Quản lý Cung cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp của Mỹ trong tháng 10/2010 đã bất ngờ tăng từ 54,4 điểm của tháng trước đó lên 56,9 điểm, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2010 và cũng là tháng tăng thứ 15 liên tiếp.

Lĩnh vực xây dựng vốn đang phải chật vật với nhiều khó khăn cũng đã có sự cải thiện chút đỉnh trong tháng 9/2010, nhờ sự gia tăng các dự án do chính phủ tài trợ và hoạt động xây dựng nhà ở.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu cho các dự án xây dựng đã tăng 0,5% trong tháng 9 vừa qua, sau khi tháng 8/2010 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2000. Tuy vậy, mức chi này vẫn thấp hơn 34% so với mức đỉnh của năm 2006, thời điểm mà các nhà thầu đua nhau tranh thủ sự bùng nổ trong hoạt động xây dựng nhà ở.

Một số nhà phân tích lo ngại rằng các điều kiện cơ bản có thể sẽ xấu đi sau cuộc bầu cử, thời điểm mà các chương trình của Chính phủ Mỹ, vốn được đưa ra nhằm vực dậy nền kinh tế, sẽ hết hiệu lực.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng thuộc tổ chức Moody's Analytics, cho rằng “Với thị trường việc làm vẫn còn nhiều khó khăn và những biện pháp hỗ trợ của Chính phủ bắt đầu mất dần hiệu lực, thu nhập của người dân sẽ rất khó có thể tăng lên.”

Còn ông Paul Dales, nhà kinh tế người Mỹ thuộc Capital Economics, nhận định “Việc tăng trưởng kinh tế dường như đã chấm dứt xu hướng đi xuống là một dấu hiệu đáng kích lệ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chưa tăng trưởng đủ nhanh để đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống hay tránh nguy cơ giảm phát.”

Triển vọng u ám

Hôm 31/10, Chính phủ Mỹ cho biết tăng trưởng GDP của nước này trong quý 3 năm 2010 đạt 2%, chỉ cao hơn chút đỉnh so với mức 1,7% của quý trước đó. Nhiều nhà phân tích cho rằng để có thể giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp hiện đang đứng ở mức 9,6%, kinh tế Mỹ phải tăng 5%, nhưng theo họ con số này của quý 4 sẽ không có gì thay đổi so với quý 3, thậm chí là trong năm tới và lâu hơn nữa.

Có hai lý do để giải thích cho điều này. Thứ nhất, khu vực xây dựng sau khi sụp đổ hồi năm ngoái sẽ chưa thể hồi sinh trong nhiều năm nữa. Thứ hai, sự phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua vẫn đặc biệt yếu ớt, cho nên thông thường sẽ phải mất nhiều năm thì hoạt động cho vay của các ngân hàng mới trở lại bình thường.

Hiện nay, thị trường nhà đất của Mỹ, khu vực thường là động lực tăng trưởng việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn đang chìm trong cơn khốn khó. Hiệp hội các nhà xây dựng nhà ở Mỹ dự đoán sẽ có 605.000 ngôi nhà và căn hộ được dựng lên trong năm nay, giảm hơn 70% so với con số 2,1 triệu của năm 2005, thời điểm mà sự bùng nổ trong hoạt động xây dựng lên đến đỉnh điểm.

Macroeconomic Advisers cho rằng thị trường lao động của Mỹ sẽ chưa thể lấy lại toàn bộ những việc làm đã mất trong cuộc suy thoái vừa qua cho đến ít nhất là năm 2013, trong khi những nhà kinh tế khác cho rằng thời điểm này sẽ phải là năm 2018 hoặc lâu hơn nữa.

Joel Naroff, nhà kinh tế thuộc Naroff Economic Advisors, nói: “Chúng ta có thể hy vọng về một sự tăng trưởng mạnh, nhưng điều đó đang không xảy ra. Một sự phục hồi mạnh mẽ là không thể, do những vấn đề trong khu vực nhà đất và tài chính sẽ không thể biến mất trong một sớm một chiều.”

Tương lai chính sách

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiến hành họp bàn về chính sách tiền tệ trong hai ngày 2 và 3/11 với một bức tranh đan xen hai gam màu sáng tối như vậy của kinh tế Mỹ, trong nỗ lực giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ý tưởng của chương trình thu mua trái phiếu lần này của FED là nhằm đẩy lãi suất cho vay thế chấp và các loại hình cho vay khác giảm xuống, theo đó tạo ra hiệu ứng thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn. Kết quả là nền kinh tế sẽ được lợi và các công ty cũng sẽ đẩy nhanh việc tuyển dụng lao động.

Kế hoạch là vậy, nhưng hiện nay nhiều người vẫn nghi ngờ rằng chương trình này sẽ không thể làm được gì nhiều để xoa dịu cuộc khủng hoảng vốn đã đẩy gần 15 triệu người Mỹ rơi vào cảnh mất việc.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, FED đã cố gắng duy trì luồng tín dụng cho các cá nhân và doanh nghiệp. Để làm điều đó, bên cạnh việc hạ lãi suất ngân hàng xuống 0-0,25%, FED còn theo đuổi chiến lược thu mua trái phiếu dài hạn.

Trong năm 2009, khi mà nền kinh tế Mỹ vẫn chìm sâu trong suy thoái, FED đã mạnh tay mua vào 1.700 tỷ trái phiếu thế chấp và trái phiếu tài chính, theo đó giúp đưa lãi suất dài hạn đối với các khoản vay kinh doanh và mua nhà giảm xuống.

Chương trình thu mua lần này của FED có quy mô nhỏ hơn, một phần là do tình hình kinh tế đã cải thiện hơn. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, với một quy mô như vậy, chương trình này sẽ chỉ có thể có tác dụng rất nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế trong quý 4 năm 2010, và không thể giúp kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp./.