Kịp thời nhưng phải chính xác

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế cho thấy, bất cứ lĩnh vực nào thì việc thông tin kịp thời, chính xác và minh bạch trong việc công bố thông tin là vô cùng cần thiết và đáng hoan nghênh, nhất lại là thông tin về một ẩn họa nào đó có thể xảy ra với cộng đồng. Song, nếu chỉ chạy theo hai chữ “kịp thời” mà lại bỏ qua những yếu tố còn lại thì hậu quả thật khó lường. Bài học về công bố thông tin từ vụ cháy ở Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) vừa qua là một ví dụ điển hình.

 Hiện trường vụ cháy tại Công ty Rạng Đông

Còn nhớ, vụ cháy nhà kho Công ty Rạng Đông diễn ra ngày 28/8 thì ngày 29/8, phường Hạ Đình đã ra văn bản khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm tự nuôi trồng, nước… trong bán kính 1km từ công ty. Tuy nhiên, không lâu sau, quận Thanh Xuân yêu cầu phường Hạ Đình thu hồi văn bản khuyến cáo trước đó, khiến dư luận hoang mang. Tiếp đó, Tổng cục Môi trường lại đưa ra khuyến cáo người dân sinh sống ở khu vực xung quanh công ty cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế;…

Cùng ngày, Sở TN&MT Hà Nội công bố thông tin quan trắc, phân tích về hàm lượng thủy ngân đều trong ngưỡng an toàn. Với thông tin này, nhiều người suy diễn về một hậu quả do vụ cháy để lại đến sức khỏe người dân trong khu vực rất đáng lo, không an toàn như công bố của Sở. Sự việc lại bị đẩy lên cao độ khi Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, chiều 4/9, thông tin kết quả quan trắc, phân tích không khí tại khu vực Công ty Rạng Đông có nơi cao vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ATSDR (Mỹ).

Cùng với những thông tin liên quan đến sự cố vụ cháy được xem là bất nhất trước đó, con số vượt ngưỡng này khiến không chỉ những người dân trong khu vực xảy ra sự cố hoang mang mà ngay cả giới truyền thông cũng được phen rúng động. Đáng nói, cũng vào thời điểm này, thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông của Bộ TN&MT cũng chính thức được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ này. Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam lại đăng đàn cho rằng, việc áp tiêu chuẩn của WHO theo cách mà Bộ TN&MT làm là không chuẩn xác. Và ngay sau đó, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT, những thông tin trên không còn hiện hữu.

Thực tế, việc cháy kho của Công ty Rạng Đông, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho công ty, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân trong khu vực. Thế nhưng việc bất nhất trong công bố thông tin liên quan của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền sở tại khiến vụ việc bị đẩy đi quá xa, mặc dù có thể thực tế sau mấy ngày sự việc không đến mức lo ngại như thế. Mong rằng, sau sự cố thông tin từ vụ cháy này, sẽ là bài học đắt giá cho việc thiết lập tiếng nói chung giữa các cơ quan, đơn vị để có khuyến cáo với các biện pháp phòng ngừa, giúp người dân không hoang mang, sớm ổn định cuộc sống, yên tâm học tập và công tác. Tuy nhiên, bất luận như thế nào, việc nỗ lực chăm lo sức khỏe cho người dân, xử lý ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh vụ cháy là điều cần thiết và rất đáng trân trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần