Ưu tiên phòng dịch, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội
HĐND TP khóa XVI đã thông qua Nghị quyết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2021 của TP Hà Nội.
HĐND TP nhấn mạnh, các tháng cuối năm 2021, các cấp, ngành, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô phấn đấu cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch năm 2021, trọng tâm là ưu tiên đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, HĐND TP nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kiểm soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để áp dụng biện pháp phù hợp; duy trì thực hiện “Thông điệp 5K” gắn với đẩy nhanh kế hoạch tiêm vaccine, tạo tiền đề thực hiện thành công “mục tiêu kép".
|
Các đại biểu HĐND TP biểu quyết thông qua các Nghị quyết. |
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội và các chế độ, chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Về các giải pháp điều hành ngân sách những tháng cuối năm 2021, HĐND TP nhấn mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các luật thuế, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao ở mức cao nhất. Thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ưu đãi về thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn – giảm thuế, hoàn thuế theo đúng quy định.
Xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại
HĐND TP khóa XVI đã thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của TP Hà Nội.
Theo đó, căn cứ tình hình dịch Covid-19 hiện nay, TP xây dựng 02 kịch bản tăng trưởng năm 2021 từ 3,97-4,54% và 2 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2025:
Kịch bản 1: GRDP tăng 7,5% (đạt cận dưới của chỉ tiêu Đại hội XVII): Để hoàn thành mục tiêu tăng 7,5%, nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025 GRDP phải tăng bình quân từ 8,25-8,40%/năm.
Kịch bản 2: GRDP tăng từ 6,5-7,0%: Với kịch bản đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, quý III, IV/2021 mới cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đến giữa hoặc cuối năm 2022 mới thực hiện tiêm vaccine đạt mức miễn dịch cộng đồng; một số ca nhiễm vẫn diễn ra cục bộ những năm sau đó; dịch bệnh được kiểm soát từ năm 2023; tuy nhiên có thể xảy ra mất cân đối cung - cầu của một vài nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và xây dựng làm cản trở sự phục hồi của nền kinh tế; GRDP giai đoạn 2022-2025 tăng bình quân 7,0-7,77%/năm và trung bình 5 năm 2021-2025 đạt 6,5-7,0%.
Về chỉ tiêu chủ yếu, thực hiện đầy đủ 17 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP; bổ sung thêm 03 chỉ tiêu về: Diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5m2 sàn /người; Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 90%; Tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội đạt 30%.
TP Hà Nội xác định mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025: Xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa. Phát triển văn hóa và con người Hà Nội, phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương, văn minh đô thị. Thực hiện thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và giao lưu Nhân dân; tăng cường phối hợp, hợp tác với các ban, bộ, ngành Trung ương và liên kết các địa phương; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập, tăng cường vị thế, uy tín và vai trò của Thủ đô trong khu vực và quốc tế.
Nghị quyết HĐND TP nhấn mạnh các chỉ tiêu chủ yếu gồm: (1) Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025: 7,5-8,0%; trong đó: Dịch vụ: 8,0-8,5%; Công nghiệp và xây dựng 8,5-9,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 2,5-3,0%. (2) Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65,0-65,5%; Công nghiệp và xây dựng 22,5 23,0%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4-1,6%. (3) GRDP bình quân/người: 8.300-8.500USD. (4) Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng. (5) Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. (6) Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7,0-7,5%. (7) Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa: 75%; Thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn, Làng văn hóa: 65%; Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa: 86-88%. (8) Tỷ lệ trường công lập (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia: 80-85%. (9) Số giường bệnh/vạn dân: 30-35; Số bác sỹ/vạn dân: 15; Duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. (10) Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 75-80%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 55-60%. (11) Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 3%. (12) Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố. (13) Tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới: 100%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao: 40%, NTM kiểu mẫu: 20%; Hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cấp Thành phố. (14) Tỷ lệ đô thị hóa: 60-62%. (15) Diện tích nhà ở bình quân đạt 29,5 m2 sàn /người. (16) Tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị đạt 90%. (17) Tỷ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội đạt 30%. (18) Tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch: 100%. (19) Tỷ lệ các chất thải và nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn về môi trường: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn: 100%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%; Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải: 100%; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 50-55%. (20) Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng: 30-35%. |
Hà Nội dành khoảng 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 được HĐND TP thông qua xác định, giai đoạn 2021-2025, TP dự kiến dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công. Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách TP, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304.779,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp TP là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị. Cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông là hơn 83.337 tỷ đồng đề thực hiện 255 dự án. TP dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế dự án.
Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội như các đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Vành đai 4…; Các cầu lớn qua sông (Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); Các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình); Các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, Hà Nội cân đối bố trí vốn 6.200 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đồng thời, quy định rõ các nguồn vốn cho các các lĩnh vực kinh tế, thủy lợi, văn hóa, xã hội, giáo dục...
UBND TP Hà Nội cũng đề xuất, dự kiến bố trí nguồn vốn cho các dự án lớn, trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực tế của dự án đối với 34 dự án và các dự án lớn tại các đề án huyện thành lập quận giai đoạn 5 năm là 36.000 tỷ đồng. Để đáp ứng yêu cầu tiến độ của các dự án lớn của TP, cho phép điều hành linh hoạt sử dụng nguồn vốn cải cách tiền lương còn dư chưa sử dụng, vay vốn nhàn rỗi kho bạc, nguồn vốn từ quỹ dự trữ tài chính… khi chưa huy động kịp thời từ các nguồn khác.
|
Các đại biểu bấm nút thông qua các Nghị quyết tại Kỳ họp |
Hà Nội dành 500 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
HĐND TP tán thành thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”.
Theo UBND TP, đến nay, TP có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954. Qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơ nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sup đổ, hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.
Quá trình triển khai rà soát, đánh giá toàn bộ các chung cư cũ theo các mức tình trạng kỹ thuật để lựa chọn kiểm định đối với chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm cấp độ D. Kết quả rà soát: có 42 chung cư mức 1, có 1.449 chung cư mức 2, có 88 chung cư mức 3, có 25 nhà còn lại đã được cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đã tổ chức kiểm định 401 chung cư (trong đó: cấp B có 148 chung cư; cấp C có 245 chung cư; cấp D có 8 chung cư (trong đó 2 nhà cấp D đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ))...
Trên cơ sở đánh giá những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn quá trình triển khai, UBND TP dự kiến triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; Ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng. Phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hoàn thành trong quý II/2023.
Các quận hỗ trợ các huyện kinh phí triển khai 16 dự án
HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2021 và việc các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội.
Theo đó, phương án điều chỉnh, bổ sung cụ thể: Điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án XDCB tập trung với tổng số vốn giảm 746.000 triệu đồng, trong đó: Điều chỉnh giảm kế hoạch vốn 3.253.889 triệu đồng của 56 dự án; điều chỉnh tăng kế hoạch vốn 2.507.889 triệu đồng của 68 dự án.
Về phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP, hỗ trợ ngân sách cấp huyện năm 2021, sẽ hỗ trợ bổ sung 1.066.000 triệu đồng thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia: Hỗ trợ bố sung 243.000 triệu đồng cho 33 dự án thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội; hỗ trợ bổ sung 823.000 triệu đồng để thanh toán dự án hoàn thành thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa; hỗ trợ bổ sung 2.372.000 triệu đồng cho 184 dự án của các huyện, thị xã xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH.
Nguồn vốn điều chỉnh, bổ sung từ nguồn vốn điều chỉnh giảm các dự án XDCB tập trung của TP và từ nguồn vốn đã bố trí dự toán đầu tư cho các chương trình, nhiệm vụ nhưng đến nay chưa phân bố chi tiết và chưa sử dụng.
Bên cạnh đó, tổng kinh phí 6 quận (Long Biên, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm) hỗ trợ 8 huyện (Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Mê Linh, Ứng Hòa) là 370 tỷ đồng, cho 16 dự án.
Về Kế hoạch đầu tư công cấp TP năm 2022, theo dự kiến khả năng cân đối ngân sách TP, nguồn vốn đầu tư phát triển TP năm 2022 là 51.073.620 triệu đồng. Kế hoạch đầu tư phát triển cấp TP sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tập trung bố trí vốn để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và TP, các công trình trọng điểm của TP và các dự án nhiệm vụ chi cấp TP thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá về phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết của HĐND TP về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 của TP; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triến kinh tế dân tộc miền núi. Đồng thời, hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biếu Đảng bộ TP lần thứ XVII, giai đoạn 2021-2025 và giải quyết vấn đề an sinh xã hội, dân sinh bức xúc trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư các dự án thuộc ngành dọc QP-AN, PCCC và tư pháp theo Nghị quyết 30/2013/NQ-HĐNĐ ngày 6/12/2013 của HĐND TP, Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
Đưa ra khỏi danh mục đã duyệt 17 dự án thu hồi đất năm 2021
HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2021; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2021 thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP.
Trên cơ sở rà soát yêu cầu sử dụng đất phát sinh trong năm, thành phố quyết định điều chỉnh, đưa ra khỏi danh mục đã duyệt 17 dự án thu hồi đất năm 2021 với diện tích 49,21ha và 10 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích 14,19ha; đồng thời, bổ sung danh mục 623 dự án thu hồi đất với diện tích 1.942,9ha và 352 dự án chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 486,11ha.
Theo UBND TP, đến hết ngày 15/7/2021, số dự án thu giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của thành phố là 151 dự án, diện tích là 483,18ha; số dự án Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các thủ tục cắm mốc giới phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đang thực hiện thu hồi đất là 706 dự án, diện tích 1.833,26 ha.
Như vậy, kết quả thu hồi đất trên địa bàn thành phố là 857 dự án với diện tích 2.316,44ha, đạt 49,3% kế hoạch thu hồi đất năm 2021 theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của HĐND TP.
Trên cơ sở đó, kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án thu hồi đất được áp dụng trên cơ sở danh mục dự án được HĐND thông qua, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bố dự toán ngân sách thành phố năm 2021 của HĐND TP.
Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện để các quận, huyện bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, bảo đảm bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2021.
Trong năm thực hiện, UBND TP tiếp tục rà soát, đánh giá tiến độ triển khai và sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện theo tính cấp thiết của từng dự án. Trường hợp phát sinh yêu cầu sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án quan trọng, cấp bách vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà chưa có trong danh mục được HĐND thành phố thống nhất trước khi quyết định thu hồi đất và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Thông qua nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP
100% đại biểu có mặt đã biểu quyết, tán thành thông qua Nghị quyết về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP.
Cụ thể, đối với quy định nội dung chi và mức chi thực hiện công tác điều tra dư luận xã hội của TP Hà Nội, đối tượng áp dụng là Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cơ quan liên quan. Dự kiến kinh phí thực hiện hàng năm khoảng 402 triệu đồng.
Quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ bằng 15% mức lương cơ sở/người/tháng. Dự kiến kinh phí thực hiện: Trường hợp có 1 công chức Tư pháp - Hộ tịch/1 phường được ủy quyền thì kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 470 triệu đồng. Trường hợp có 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch/1 phường được ủy quyền thì kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 939 triệu đồng.
Đối với quy định nội dung, mức chi thực hiện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và quy chuẩn kỹ thuật địa phương của TP Hà Nội, dự kiến kinh phí thực hiện hàng năm khoảng 5 tỷ đồng.
Đối với quy chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao, vận động viên thể thao của TP Hà Nội, kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 56.758 triệu đồng.
Đối với quy định chế độ trợ cấp đặc thù đối với viên chức và lao động hợp đồng làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội, kinh phí thực hiện dự kiến khoảng hơn 20.303 triệu đồng.
Nội dung chi và mức chi các hoạt động y tế - dân số trên địa bàn sử dụng kinh phí sự nghiệp TP Hà Nội đề xuất áp dụng như nội dung và mức chi quy định tại Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngay 21/3/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.
Tiếp tục hỗ trợ Sữa học đường cho bậc mầm non, tiểu học năm học 2021-2022
Cũng trong sáng 23/9, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp tiếp tục thực hiện chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội cho đến khi Đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.
|
Các đại biểu HĐND TP khóa XVI. |
Cụ thể, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo (theo quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND TP ban hành), học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước: Ngân sách hỗ trợ 50%; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
Thời gian thực hiện chính sách kể từ năm học 2021 - 2022 cho đến khi Đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.
Trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml.
Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT: Ngân sách Thành phố đảm bảo kinh phí hỗ trợ.
Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn TP: Kinh phí thực hiện do ngân sách quận, huyện, thị xã đảm bảo theo phân cấp ngân sách.
Riêng năm 2021, đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT: Ngân sách TP đảm bảo kinh phí hỗ trợ.
12 quận gồm Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm: ngân sách quận đảm bảo kinh phí
18 huyện, thị xã gồm Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa: ngân sách TP bổ sung kinh phí để thực hiện hỗ trợ.
Không tăng học phí và dành gần 893 tỷ đồng hỗ trợ học phí năm học 2021-2022 HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua 3 Nghị quyết liên quan đến học phí năm học 2021-2022: Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, THPT của TP năm học 2021-2022; Nghị quyết quy định mức trần học phí với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm 2021-2022 và Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông năm học 2021-2022 giữ như hiện nay, cụ thể: Với nhà trẻ, mẫu giáo (không bao gồm trẻ em mầm non 5 tuổi), THPT, Giáo dục thường xuyên cấp THPT: HS theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 217.000 đồng/tháng; HS theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn 95.000 đồng/tháng; HS theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi 24.000 đồng/tháng. Với trẻ em mâm non 5 tuổi, THCS, Giáo dục thường xuyên cấp THCS: HS theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị là 155.000 đồng/tháng; HS theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn 75.000 đồng/tháng; HS theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã miền núi 19.000 đồng/tháng.
Việc quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục tiếu học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên để làm căn cứ thực hiện 2 chính sách: Hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng miễn, giảm học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan; miễn giảm học phí đối với học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, cơ sở giáo dục công lập chất lượng.cao chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Về quy định thời gian thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, PT công lập trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh và các sự kiện bất khả kháng, đối với các tháng có thời gian dạy học thực tế (bao gồm cả thời gian tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bố trí thời gian học bù tại trường) không đủ cả tháng, việc xác định thời gian thu học phí được tính như sau: Trường hợp thời gian dạy học thực tế trong tháng dưới 14 ngày thì thực hiện thu 1/2 tháng; trường hợp thời gian dạy học thực tế trong tháng từ 14 ngày trở lên thỉ thực hiện thu đủ tháng (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật). Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng/năm học.
|
Các đại biểu tham dự ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ hai HĐND TP Hà Nội khóa XVI |
Với Nghị quyết quy định mức trần học phí với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2021-2022. Theo đó, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm học 2021-2022 giữ nguyên như năm học 2020-2021.
Cụ thể: Trường mầm non 5.100.000 đồng/HS/tháng, Trường tiểu học 5.500.000 đồng/HS/tháng, Trường THCS 5.300.000 đồng/HS/tháng, Trường THPT 5.700.000 đồng/HS/tháng. Trên cơ sở mức trần học phí, hàng năm thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ điều kiện KT-XH của địa bàn, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, kết quả kiểm định để quyết định mức thu học phí sau khi có sự thống nhất bằng văn bản của UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý.
Nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, cùng với việc giữ nguyên mức học phí như năm học 2020-2021, HĐND TP cũng thông qua đề xuất của UBND TP về mức hỗ trợ hàng tháng bằng 50% mức thu học phí đã được HĐND TP quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tương ứng với từng vùng, từng cấp học, tương ứng với hình thức học thực tế của tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế (trực tiếp, trực tuyến), tối đa không quá 9 tháng/năm học 2021-2022.
Theo UBND TP Hà Nội, dự kiến tổng kinh phí để hỗ trợ 50% mức học phí cho học sinh các cấp học trên địa bàn Thủ đô là gần 893 tỷ đồng. Trong đó, cấp mầm non là hơn 378,7 tỷ đồng, cấp tiểu học là hơn 40,4 tỷ đồng, cấp THCS gần 258,6 tỷ đồng đồng và cấp THPT là hơn 215,1 tỷ đồng.
Mỗi xã, phường, thị trấn bố trí 1 nhân viên chăn nuôi thú y
HDNĐ TP khóa XVI thông qua Nghị quyết về việc bố trí lực lượng và chế độ chính sách cho nhân viên chăn nuôi thú y của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, bố trí mỗi xã, phường, thị trấn 1 nhân viên chăn nuôi thú y (gọi chung là nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã) để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác chăn nuôi, thú y tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội. Nhân viên chăn nuôi thú y cấp xã do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội quản lý, sử dụng. Chế độ, chính sách và mức phụ cấp của nhân viên chăn nuôi, thú y cấp xã như sau: Về mức phụ cấp hằng tháng, nhân viên chăn nuôi thú y tại các xã, phường, thị trấn (vùng được phép chăn nuôi) hưởng mức phụ cấp hàng tháng theo hệ số 1,86 so với mức lương cơ sở; nhân viên chăn nuôi thú y tại các phường, thị trấn (vùng không được phép chăn nuôi) hưởng mức phụ cấp hằng tháng theo hệ số 1,44 so với mức lương cơ sở. Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ chính sách do ngân sách cấp TP bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Nhân viên chán nuôi thú y cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng và hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
|
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI thông qua 17 Nghị quyết thuộc thẩm quyền. |
Tại Kỳ họp này, các đại biểu HĐND TP cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết Quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội của TP. Theo đó, đối tượng bảo trợ xã hội gồm 8 nhóm đối tượng tại cộng đồng (quy định cũ gồm 6 nhóm đối tượng); đối tượng “người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo không có nguồn thu nhập” không còn thuộc diện được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, UBND TP đề xuất mở rộng thêm một số đối tượng bảo trợ xã hội khó khăn ngoài đối tượng do T.Ư quy định. Dự kiến, kinh phí để thực hiện chính sách là 1.563,308 tỷ đồng/năm (tăng 366,899 tỷ đồng/năm, so với hiện hành).
Tại Kỳ họp này, các đại biểu HĐND TP cũng biểu quyết thông qua các Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP; Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp của TP Hà Nội; Nghị quyết Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động, đảm bảo chế độ chính sách, phân cấp nhiệm vụ chỉ thực hiện Luật dân quân tự vệ trên địa bàn TP.
HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2022 của HĐND TP. Trong đó, HĐND TP sẽ giám sát các chuyên đề: Việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP; việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP.