Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 130 năm thành lập và 80 năm Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Chương Mỹ: Đổi thay trên quê hương cách mạng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình thành từ thời kỳ đầu dựng nước, huyện Chương Mỹ là vùng đất có bề dày lịch sử, đến nay đã có một diện mạo mới, trong đó kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 11,9%/năm.

Ngày 24/11, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chương Mỹ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm ngày thành lập huyện (1/4/1888 - 1/4/2018), 80 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ huyện (26/11/1938 - 26/11/2018) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Cái nôi cách mạng

Năm Đồng Khánh thứ 3 (tháng 4/1888) được coi là mốc đầu tiên ghi dấu việc thành lập huyện Chương Mỹ khi triều đình nhà Nguyễn chia đạo Mỹ Đức thành hai vùng: Vùng người Mường nhập vào tỉnh Phương Lâm (Hòa Bình), còn vùng người Kinh thì chia thành 2 huyện: Yên Đức (Mỹ Đức) và Chương Mỹ. Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính cấp tỉnh, Chương Mỹ lần lượt thuộc các tỉnh: Hà Đông, Hà Tây, Hà Sơn Bình, rồi trở về Hà Tây trước khi hợp nhất về Hà Nội vào ngày 1/8/2008.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiểm tra việc thí điểm triển khai hệ thống máy lọc nước theo công nghệ của Đức uống nước tại bình phục vụ người dân vùng úng ngập huyện Chương Mỹ. Ảnh: Khắc Kiên
Có thể khẳng định, trong chiều dài lịch sử dân tộc, Chương Mỹ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, Chương Mỹ một lòng đi theo sự nghiệp cách mạng của Đảng. Không lâu sau, ngày 26/11/1938, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chương Mỹ được thành lập gồm 4 quần chúng ưu tú ở Yên Trường: Trần Văn Liên, Nguyễn Quang Lịch, Trần Văn Tiến, Nguyễn Bá Đa đã được kết nạp vào Đảng và thành lập Chi bộ Đảng Yên Trường. Đồng chí Trần Văn Liên được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Nơi đây còn ghi dấu tích khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, rạng sáng ngày 20/12/1946, từ núi Trầm, xã Phụng Châu, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu nói lịch sử: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, vang vọng mọi miền Tổ quốc như một lời hiệu triệu.

Từ khi hợp nhất về Hà Nội (1/8/2008), Chương Mỹ trở thành địa bàn trọng điểm về kinh tế, chính trị, quân sự cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô. Huyện có 30 xã và 2 thị trấn; 3 con sông chảy qua là sông Đáy, sông Bùi, sông Tích; có quốc lộ 6, tỉnh lộ 419 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Trên địa bàn huyện có 374 di tích, 88 lễ hội dân gian truyền thống...

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chương Mỹ là một trong những địa phương ở miền Bắc đóng góp nhiều sức người, sức của và nêu cao tinh thần truyền thống cách mạng. Trong 10 năm (1965 - 1975), toàn huyện đã huy động 55.552 lượt người nhập ngũ vào quân đội, tham gia thanh niên xung phong và dân quân du kích; chi viện cho tiền tuyến, đóng góp 44.415 tấn lương thực, 4.662 tấn thực phẩm và tiền mặt, quần áo tư trang cho bộ đội… Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ lựa chọn Chương Mỹ là một trong những địa phương đặt khu trường học dành cho học sinh miền Nam. Từ những ngôi nhà lá đơn sơ, nhiều học sinh miền Nam đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như: Cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Cố Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được; nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư, Bộ trưởng Bộ VHTT Nguyễn Khoa Điềm; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình...

Diện mạo mới

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 Quốc hội (Khóa XII) về việc điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chương Mỹ đã từng bước vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế để đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đây được coi là bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về kinh tế, huyện luôn đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ở mức cao, bình quân 11,9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người tăng trên 4,8 lần (từ 8,8 triệu đồng/người/năm 2008 tăng lên 43 triệu đồng/người/năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, từ 16,3% năm 2008 xuống còn 2,48% năm 2018.

Công tác quy hoạch được triển khai thực hiện hiệu quả. Hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, góp phần đổi mới rõ rệt bộ mặt đô thị, bộ mặt nông thôn của huyện. Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, huyện Chương Mỹ được quy hoạch 1 đô thị vệ tinh Xuân Mai và 1 thị trấn sinh thái Chúc Sơn với nhiều tiềm năng phát triển. Từ huyện thuần nông, đến nay huyện đã có 1 khu công nghiệp, 9 cụm công nghiệp, 100 điểm công nghiệp làng nghề, trên 1.000 DN trong và ngoài nước đang tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.

Sản xuất nông nghiệp phát triển, sau dồn điền đổi thửa đã tập trung quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững với những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu như: Rau quả sạch Chúc Sơn, bưởi Chương Mỹ, gạo hữu cơ Đồng Phú, sản phẩm chăn nuôi Tiên Viên. Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt và thu được nhiều kết quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của huyện. Đến nay, toàn huyện có 25 xã được UBND TP Hà Nội công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2020, Chương Mỹ sẽ trở thành huyện nông thôn mới.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng, hàng năm có trên 87% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, toàn huyện có trên 70% số làng được công nhận "Làng văn hóa"; trên 67% số trường công lập đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đối với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội luôn được quan tâm và đạt kết quả. Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng bộ huyện nhiều năm liền được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Nhìn lại chặng đường 130 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 80 năm kể từ khi có tổ chức Đảng ra đời, trải qua 23 kỳ đại hội, đến nay, Đảng bộ huyện Chương Mỹ đã có 10.759 đảng viên sinh hoạt ở 56 tổ chức cơ sở Đảng, 5.315 đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng các loại.

Từ mốc son lịch sử mùa Hạ năm Đồng Khánh thứ 3 đến thời đại Hồ Chí Minh quang vinh với bao thăng trầm, Chương Mỹ vẫn luôn vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là điểm sáng của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với những thành tích đã đạt được, Nhân dân và cán bộ huyện Chương Mỹ vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Nhất. Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng và nguyên Bí thư Huyện ủy Lê Trọng Khuê – Chủ tịch Hội Nông dân TP được tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng