Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 60 năm Truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19/5/1959-19/5/2019: "Voi thép" vượt Trường Sơn

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấy đêm làm ngày, một mình liên tục 4 - 5 đêm thức trắng, xe bò giữa mịt mùng núi rừng. Chiếc đèn mu rùa gắn dưới bađơxốc đủ cho tôi nhìn rõ khoảng 5 - 10m phía trước, nhìn ra hai bên là màn đêm bí hiểm, suốt các chặng không nhớ hết đã xẩy ra bao nhiêu tình huống thót tim chẳng biết kêu ai, đành nín thở vượt qua...

Kỳ 1: Tránh B52 - Kéo "voi thép" vượt Trường Sơn
Tối 18/12/1972 Tổng thống Mỹ Nich-xơn khai hỏa chiến dịch Linebacker II. Trước đó 3 ngày (15/12/1972) tôi cùng hai đồng đội quê huyện Nghi Lộc thuộc quân số Đoàn vận tải trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháo binh, đóng tại Vườn nhãn - Đền Voi Phục, phường Cầu Giấy, Hà Nội (giữa năm 1974 thành phố thu hồi mặt bằng làm Công viên Thủ Lệ).

Tốp chiến sĩ lái xe Đoàn vận tải Pháo binh trước khi lên Hữu Lũng (Lạng Sơn) nhận xe pháo vào chiến trường (ngày 4/1/1973)

Đến đơn vị mới tôi chưa kịp nhớ tên đồng đội, tối hôm sau thủ trưởng Đoàn - Thiếu tá Lý Bá Keng tập hợp đơn vị phổ biến điện khẩn của cấp trên: Trừ quân số đang làm nhiệm vụ trên các chiến trường, hơn 100 người có mặt tại đơn vị thực thi nhiệm vụ “đột xuất” trong đêm nay.
Lính trẻ ngơ ngác, lính già rỉ tai nhau chẳng biết “đột xuất” là nhiệm vụ gì? Trong khi chờ xe chuyển bánh tôi tranh thủ ngó “dinh cơ” đơn vị gồm mấy dãy lán tre nứa, chiếc giường ghi họ tên tôi ở lán phân đội 2 - nơi tôi mới ngủ đêm đầu. Qua bãi tập kết của đơn vị, mấy chục đầu xe đa chủng loại, đa quốc gia Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Pháp… đều trong tư thế xuất phát. Chừng 21 giờ, trên 100 con người lên 5 xe đại xa phủ bạt rời Hà Nội, lặng lẽ đi mà không biết nơi đến, không biết nhiệm vụ “đặc biệt” là gì, chưa biết khi nào về lại Vườn Nhãn
Chừng 1 giờ sáng đoàn xe dừng ngoài rìa xóm nhỏ, Chính trị viên Lê Nhạn khẩu lệnh đủ nghe: Từng tổ 3 người vào nhà dân tìm chỗ ngủ.
Ba lính quê Nghi Lộc thành một tổ do anh Lê Công Tường làm tổ trưởng. Đêm vùng rừng núi bí hiểm, chúng tôi dò đường vào nhà dân. Con đường vào lầy lội bùn đất, mùi phân trâu, mùi cây tươi chống lầy lâu ngày mục ải, “tổ hợp mùi” xộc vào miệng vào mũi khó thở. Dừng lại trước cổng nhà dân, cánh cổng làm bằng tre, sợi dây đồng buộc thay “khoá”, tôi luồn tay mở cổng nhưng không dám vào, đành đội trời chịu rét chờ anh Tường lên tiếng:
- Bộ ơi bộ. Bộ ơi bộ (Bố ơi bố)
Chỉ tiếng côn trùng từ sau mấy quả đồi vọng lại.
- Bộ ơi bộ, bộ ơi bộ, chúng con là lỉnh đây mừ (Bố ơi bố, chúng con là lính đây mà).

Vọng lại vẫn tiếng côn trùng đã thành hợp xướng của đại ngàn. Gần một tiếng đồng hồ giữa trời giá buốt tôi muốn cảm lạnh, khỏe như thằng Trung mà hai hàm răng va lập cập vào nhau, nó giục đi tìm nhà khác, tôi ngăn lại:
- Giữa đêm khuya ai biết chúng mình đến mà chờ, cứ mở cổng vào nằm dưới mái hiên có chỗ ngả lưng đắp chăn là được.
“Liều kiến” xem ra được việc, kịp trải chiếu trùm chăn ba lính đã thẳng giấc không biết trời đất là gì. Tiếng mở cửa làm tôi tỉnh giấc, nắng sớm xua lớp sương mù, anh Tường và Trung cũng loàng quàng chồm dậy, chúng tôi cuốn chiếu gấp chăn trước ánh mắt ngỡ ngàng của bố con ông chủ nhà.
Ông chủ nói với con gái tôi nghe mà không hiểu, lát sau ông nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh lơ lớ:
- Các chú vào trong nhà kẻo lạnh.
4 cựu binh Đoàn vận tải gồm Giao Hưởng, Lương Na, Ngô Du, Nông Văn Dùng gặp nhau 6/2001 tại Bát Xát, Lào Cai

Miệng nói tay ông xách ba lô của các chú vào nhà đặt lên cỗ phản gụ đen bóng, cô bé (lát sau mới biết tên là Bích 14 tuổi) mang lên siêu nước đun sôi đang phả khói.
- Bố quen uống trà sáng, cứ làm vài chén cho ấm bụng đã. Bố nghe tiếng gọi nhưng chẳng hiểu, cứ nghĩ là người ngoại quốc trò chuyện ngoài đường, không nghĩ là bộ đội mình. Sao cũng tiếng phổ thông nước mình mà bố nghe không hiểu nhỉ?
Anh Tường ngẩn tò te, tôi và Trung bấm bụng để không bật cười vì “bất đồng ngôn ngữ”. Không ngờ chất giọng anh Tường ở xã Nghi Yên khiến chủ nhà ngỡ là “tiếng nước ngoài”. Quê cùng huyện, anh Tường ở đầu huyện, tôi và Trung ở cuối huyện nói với nhau đã khó nghe, huống là ông giáo người Mường dạy trường làng ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Chưa kịp thêm nước sôi vào ấm trà, bà chủ từ dưới bếp đã giục bé Bích bê đĩa sắn luộc đang bốc khói đặt lên bàn:
- Các con ăn đi, sắn nếp trồng khắp mấy quả đồi. Thông cảm người già lẩm cẩm, suốt đêm chịu rét, thương lắm.
Bé Bích nép sau lưng mẹ, cặp mắt cháu đen láy nhìn chúng tôi điểm tâm ngon lành.
- Bố mở cửa thấy các chú ngủ say, bố quay vào gọi cháu “này Bích, mày tinh mắt xem có phải bộ đội hay người nước ngoài lỡ đường”. Cháu chỉ vào sao vàng gắn ở mũ các chú đang gối đầu, bấy giờ bố mới tin.
***
Tối 18/12/1972 từ xóm nhỏ Đồng Văn, xã Tiến Xuân, chúng tôi nín thở theo dõi trận bão lửa cuồng phong trên bầu trời Hà Nội, dõi theo những quả tên lửa kéo những vệt sáng khổng lồ nung cháy một vùng trời. Cách xóm Đồng Văn chừng 5 - 6 cây số, sân bay dã chiến Hoà Lạc đã lâu không điện không đèn, đêm nay những chiếc MIC17 bỗng lao ra đường băng rồi mất hút giữa màn đêm, đến lúc ấy mới cảm nhận chúng ta không bất ngờ với canh bạc của ông Nich-xơn.
Chẳng là một tuần trước đó Thủ đô đã “vườn không nhà trống” sơ tán trên nửa triệu dân nội thành, cuộc sơ tán quy mô lớn nhất trong lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, chúng tôi phải rời nội thành để bảo toàn lực lượng.
Liên tục 12 ngày đêm quân và dân ta làm nên “Điện Biên Phủ trên không”, Tổng thống Nich-xơn buộc phải chấm dứt chiến dịch Linebacker II, về sau qua các nguồn tài liệu từ nhiều phía tôi biết: Linebacker II là chiến dịch tập kích chiến lược đường không quy mô chưa từng có trong chiến tranh Việt Nam và cả trong lịch sử quân đội Mỹ.
Sáng 31/12/1972 chúng tôi trở về Vườn nhãn, ngày 4/1/1973 toàn đơn vị bước vào “đại chiến dịch” chi viện chiến trường. Chúng tôi lên Hữu Lũng, Lạng Sơn nhận xe mới, pháo mới, mỗi tốp 6 xe kéo 6 “voi thép” vào chiến trường, khi các “voi thép” về qua Hà Nội đều dừng lại chào Thủ đô rồi ngoặt lên các kho Ba Thá, Miếu Môn nhận quân nhu chất đầy thùng xe theo đường Trường Sơn vào Nam. Chỉ huy phân đội 2 là anh Nguyễn Ngọc Cừ - tay lái chiến trường dạn dày từng ba trận thập tử nhất sinh đều thoát hiểm, biệt danh “nồi chày cối đá”, tôi vẫn nhớ kinh nghiệm xương máu của anh.
- Một mình một xe ngoài chiến trường, nếu thỏ đế sẽ không sống nổi. Hễ còn nghe tiếng “xịt đùng” nghĩa là xe chưa bị đạn cối “xin thùng”, nghĩa là mình còn sống, nghĩa là máy bay địch đang truy diệt, cứ lút chân ga vọt thật nhanh ra ngoài “toạ độ chết” thì khả năng thoát hiểm cao hơn, nếu rời xe tìm nơi trú ẩn thì cả người và xe dễ thành món nướng của bom na pan!
Các cựu binh lái xe Pháo binh quê Nghi Lộc gặp mặt tại TP Vinh nhân kỷ niệm ngày nhập ngũ năm 2012.
Lấy đêm làm ngày, một mình liên tục 4 - 5 đêm thức trắng, xe bò giữa mịt mùng núi rừng. Chiếc đèn mu rùa gắn dưới bađơxốc đủ cho tôi nhìn rõ khoảng 5 - 10m phía trước, nhìn ra hai bên là màn đêm bí hiểm, suốt các chặng không nhớ hết đã xẩy ra bao nhiêu tình huống thót tim chẳng biết kêu ai, đành nín thở vượt qua, xe pháo thi nhau nhảy tăng gô rồi vanxilô. Tảng sáng tìm nơi giấu xe giấu người, giữa những thảm rừng đã trụi trơ vì đạn bom và chất độc hóa học, tìm vị trí giấu xe dấu pháo và an toàn cho người là rất nan giải.
Chuyến thứ ba kéo “voi thép” vượt Trường Sơn, tốp chúng tôi dừng nghỉ giữa khu rừng loang lở. Trong khi chờ cơm chiều để tối lên đường, Diềng rủ tôi qua bên kia suối tìm ớt chỉ thiên. Hồi nhỏ thứ cần tìm có mọc sau nhà, bà nội gọi là ớt mọi-ớt muỗi cay xé lưỡi, quả nhỏ xíu như đuôi chuồn kim, đầu quả nhọn hoắt luôn thẳng lên trời.
Diềng chỉ cho tôi cây ớt chỉ thiên trĩu quả mọc trong “hài cốt” chiếc xe Gat 69, hai đứa vặt hết quả chín cho vào chiếc mũ mềm tôi bổng thấy dưới lớp bụi đất giữa ghế lái và ghế bên cạnh nổi lên mẩu kim loại, gạt lớp đất mỏng hiện ra chiếc kẹp tóc hình con bướm làm bằng mảnh đuy ra trắng đục, chẳng biết từ mảnh xác máy bay hay từ ống pháo sáng, chẳng biết của nữ lái xe Trường Sơn điều khiển chiếc xe bị dính đạn, hay của nữ quân y Trường Sơn theo xe làm nhiệm vụ bị hy sinh, hay của anh lái chưa kịp gửi tặng người yêu ở hậu phương luôn mang theo người trước lúc hy sinh? Đã bao tháng bao năm chiếc kẹp tóc bị vùi trong hài cốt sắt? Đang suy nghĩ mông lung bỗng giọng ồm ồm của thằng Diềng làm tôi giật mình:
- Con bướm của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, mày trả lại chỗ cũ để nó có đôi...
Tôi đã đọc “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài” nhưng không tin “trả lại chỗ cũ để nó có đôi”, dù vậy tôi vẫn làm theo tâm nguyện của Diềng.
(Còn tiếp)