Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo vào năm 1960. Ảnh tư liệu |
Trong đó có những người từng phục vụ Bác Hồ như đồng chí Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến…, các nhà báo chuyên trách như Vũ Đình Hồng, Đinh Chương ở TTXVN… Nhà báo Đinh Chương sinh ngày 19/5/1932 tại xã Hòa Khương, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, là phóng viên TTXVN từ 1953 - 1993, chuyên trách viết về Bác Hồ từ 1956 - 1969; mất ngày 25/9/2016. Anh Đinh Chương đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động về Bác.
Ăn xem nồi, ngồi xem hướngTết Mậu Tuất năm 1958, Bác Hồ thăm nông dân xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm. Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã được cử đi viết tin là Lê Việt Thảo. Ông Thảo viết một bài tường thuật khá dài, dồn hết tình cảm vào bài viết, từ ngữ khá trau chuốt, bóng bẩy và cũng rất nhanh đem trình Bác duyệt. Bác khen: “Chú viết vậy là nhanh và cũng rất văn hoa. Nhưng Tết này, nhiều đồng chí T.Ư đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Chú viết thế này thì Bác tham quá. Ăn phải xem nồi, ngồi xem hướng. Mình phải để phần người khác nữa chứ. Ngòi bút của chú lại không công bằng. Chú viết về Bác thì đậm đà, còn câu chuyện của cô Vợ (Nguyễn Thị Vợ - Bí thư Đảng Việt Hưng) về nông dân năm nắng mười sương thì chú chẳng viết được mấy…Không chỉ Lê Việt Thảo được một bài học sâu sắc, mà qua câu chuyện này, mọi người, nhất là cán bộ lãnh đạo cũng nên biết ăn xem nồi, ngồi xem hướng trên báo chí và nên biết vị trí của mình giữa Nhân dân.Các chú làm gì thế?Năm 1969, Bác Hồ đi bỏ phiếu bầu HĐND Khóa V Khu Ba Đình tại Hòm phiếu số 6, Đơn vị 1, Tiểu khu 1.Bác xếp hàng, chờ đến lượt mới vào Phòng viết phiếu. Phóng viên ảnh Việt Nam Thông tấn xã là Vũ Tín; quay phim của Xưởng phim Tài liệu - Khoa học là Ma Cường cứ xôn xao xung quanh Bác, đèn đóm sáng rực, bấm máy lia lịa. Bác vội lấy tay che lá phiếu, quay lại nghiêm khắc nói: “Các chú làm gì thế! Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu của cử tri. Các chú không biết nguyên tắc bỏ phiếu kín à”?Bác Hồ biên tậpTrong tin tường thuật Lễ khai mạc Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1959 của Nguyễn Mạnh Hào (Việt Nam Thông tấn xã) đưa lên Bác duyệt, có câu: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua trai gái, già trẻ”…Bác cầm bút đỏ, làm dấu ngoặc hoán vị “trai gái” thành “gái trai”. Bác nói: Để “trai gái”, trai trước gái sau là không tôn trọng phụ nữ; hơn nữa để “trai gái” người ta dễ nghĩ đến chuyện trai gái, không hay.Đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang biểu diễn ở nước ta, đến thăm Bác. Việt Nam Thông tấn xã viết tin với đầu đề: “Đoàn nghệ thuật Trung Quốc yết kiến Hồ Chủ tịch”. Đầu đề ấy thể hiện sự trọng thị đối với Bác. Bác nói: Đoàn nghệ thuật này do Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cử sang nước ta. Bác có nhiệm vụ thay mặt Đảng, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam tiếp đoàn. Bác sửa đầu đề ấy thành: “Hồ Chủ tịch tiếp đoàn nghệ thuật Trung Quốc”. Đầu đề này thể hiện sự trọng thị tình hữu nghị hai nước; trọng thị sự phục vụ của đoàn nghệ thuật.Ba tuần sau có Đoàn đại biểu Hòa bình Pháp đến Hà Nội và cũng được Bác Hồ tiếp. Đoàn này có nhiều cựu bộ trưởng, nhiều trí thức lớn. Nhớ bài học cũ, phóng viên viết: “Hồ Chủ tịch tiếp Đoàn đại biểu Hòa bình Pháp”. Chắc mẩm đúng ý Bác. Nhưng Bác bảo không được, phải sửa thành “Đoàn đại biểu Hòa bình Pháp yết kiến Hồ Chủ tịch” vì trong chương trình hoạt động của đoàn ở nước ta có nội dung đến chào thăm Hồ Chủ tịch.Ngày 10/1/1959, Bác Hồ dự Hội nghị Thủy lợi toàn Miền Bắc. Tin của Đinh Chương viết: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái các địa phương làm 107 cái cống, sau khi kiểm tra có 87 cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ từ cấp trên xuống cấp dưới quan liêu, không nghĩ đến Nhân dân, làm thiệt hại cho Nhà nước, cho Nhân dân. Nếu từ trên xuống dưới có tinh thần phụ trách thì không đến nỗi như thế”. Bác sửa gọn lại, bỏ con số cụ thể, đề phòng sự thống kê không chính xác: “Hồ Chủ tịch vạch rõ: Năm ngoái các địa phương làm hơn một trăm cái cống, sau khi kiểm tra có nhiều cái hỏng. Trách nhiệm ấy là do cán bộ quan liêu, thiếu tinh thần phụ trách mà làm thiệt hại tiền bạc của Nhà nước, công sức của Nhân dân”.Để Bác lấy tài liệu choNgày 31/12/1958, tại vườn Bác trong Phủ Chủ tịch diễn ra cuộc họp mặt mừng Xuân do Bác chủ trì. Bác có bài phát biểu bằng giấy. Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã Lê Việt Thảo ghi chép một cách lúng túng, hết họp rồi mà vẫn đứng ở gốc cây ghi ghi, chép chép. Bỗng Bác đến ân cần hỏi: Chú thông tấn có cần cái này không? Và Bác trao tờ giấy: Bản đánh máy bài nói chuyện do Bác đánh máy đây. Bác sửa hơi lộn xộn, chú sắp xếp lại, nhưng đừng lấy nguyên văn, chỉ nên lấy ý thôi…Nữ phóng viên Tường Vân được phân công viết tin về một buổi Bác tiếp khách quốc tế tại vườn Phủ Chủ tịch. Rất lo lắng công việc, chị cố lách đến gần Bác và các vị khách để lắng nghe cho rõ nhưng vừa đi vừa sợ, sợ làm mất sự trang nghiêm của buổi lễ. Bác hiểu ý cười: “Cô Vân chờ xin văn bản phải không? Lại đây, Bác lấy cho”! Sau khi Bác đọc lời chào mừng đến đáp từ của khách. Bác nghiêng đầu về phía vị khách, nói nhỏ và cầm bài phát biểu của khách cho Tường Vân.Rất nghiêm khắc trong công việc, nhưng vô cùng khoan dung và hiền từ như một người cha, Bác Hồ đã để lại một tình cảm, hơn thế là một di sản đối với những người làm báo.Tháng 5/2017