Ngày tháng sục sôi ý chí
Được thành lập từ tháng 8/1944 tại số nhà 46 Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu với khoảng 60 thành viên hoạt động bán công khai thực hiện nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, chuyền tay các tin tức cách mạng, kết hợp tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình trong công sở, trường học, trên tàu điện, rạp hát, rạp chiếu bóng. Trong 3 ngày, 17-18-19/8/1945, dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ và Uỷ ban Khởi nghĩa Hà Nội, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ phá bằng được cuộc mít tinh do Tổng Hội Viên chức tổ chức để ủng hộ Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và trở thành nòng cốt đấu tranh dành chính quyền. Chiến công này đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng 8/1945.
|
Nhân dân Hà Nội đánh chiếm Phủ Khâm sai ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu chụp tại triển lãm 90 Đảng bộ TP Hà Nội. |
76 mùa thu đã trôi qua, các đoàn viên thuở ấy nay đã vào độ tuổi xưa nay hiếm. Nhưng khi ôn lại những ngày tháng sục sôi đó, trong mắt họ lại một lần nữa ánh lên niềm tự hào, xúc động. Cách mạng tháng Tám thành công và chọn dấu mốc ngày 19/8 hàng năm là ngày kỷ niệm. Nhưng đối với thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và người Hà Nội nói riêng, ngày 17/8 có ý nghĩa đặc biệt. Ngày đó, chính quyền bù nhìn của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hô hào các viên chức, Nhân dân mít tinh, biểu tình để kêu gọi sự ủng hộ. Quân đội ta biết được điều này nên tổ chức đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đến đó để phá mít tinh đó, đồng thời kêu gọi Nhân dân ủng hộ Việt Minh. Cuộc mít tinh của chính phủ bù nhìn đã biến thành cuộc tuần hành, thị uy đi khắp Hà Nội.
Để có được thành quả này, từ nhiều ngày trước đó, những người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu phải bí mật đến từng nhà người dân, thông qua quan hệ gia đình tuyên truyền, phát truyền đơn để người dân biết tôn chỉ mục đích của Việt Minh. Và với lòng yêu nước, và quyết tâm thoát khỏi ách áp bức áp bức, Nhân đân đã nhiệt tình hưởng ứng.
Trưởng Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu Lê Đức Vân là một trong 9 người đươc tham gia cuộc họp do Thành uỷ Hà Nội và Uỷ ban Quân sự Cách mạng Hà Nội tổ chức trong 2 ngày 17 và 18/8/1945 trước khi đi đến quyết định tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Dù đã ngoài 90 tuổi, ông vẫn nhớ như in ngày vinh dự được gặp Bác Hồ đúng vào dịp chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cách đây tròn 76 năm. “Tôi được gặp Bác Hồ trước ngày 2/9. Nhưng, tôi không biết người mình gặp là Bác Hồ mà chỉ biết là thượng cấp. Bác hỏi các cháu làm gì sau ngày tổng khởi nghĩa thành công, bọn tôi mới trình bày cho Bác biết là tham gia các công tác chống đói, chống lụt, bảo vệ các cơ quan Nhà nước và đi bộ đội” – ông Lê Đức Vân kể.
Giây phút lịch sử trên quảng trường Ba Đình76 năm trôi qua, những qua lời kể của những thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, không khí ngày 2/9/1945 vẫn còn vẹn nguyên. “Chúng tôi có nhiệm vụ vận động Nhân dân tham gia buổi lễ ngày 2/9. Khi đó, không khí, tâm trạng của người dân Hà Nội đều sục sôi như một bó đuốc đang rực cháy. Bởi, ai cũng nóng lòng đi dự xem đất nước sẽ có chuyển biến thế nào. Và, Nhân dân cũng muốn biết người lãnh đạo đất nước – Hồ Chí Minh ra sao” – Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên thành Hoàng Diệu Nguyễn Tiến Hà cho biết.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tháng 9/1945. Ảnh tư liệu chụp tại triển lãm 90 Đảng bộ TP Hà Nội. |
Theo lời kể của những cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, trong ngày đặc biệt đó, người dân đến tham gia buổi lễ không phải chỉ ở khu vực nội hay ngoại thành Hà Nội mà còn ở nhiều nơi khác như ở Hoài Đức, Gia Lâm, Bắc Ninh, Hà Nam… đến theo chỉ thị của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tứ phía, người dân đổ về Hà Nội, số lượng lên đến 50 vạn người. “Trong biển người đó, tôi quan sát có cả phụ nữ mặc áo dài trắng chỉnh tề, nghiêm trang; có cả nữ quân nhân ở chiến khu về mặc áo nâu, quần đen, triết khăn mỏ quạ, vác súng trường. Còn bộ đội của ta đội mũ ca- rô, mặc quần soóc” – ông Nguyễn Tiến Hà nhớ lại.
14 giờ ngày 2/9, buổi lễ được dự kiến bắt đầu, nhưng ô tô của phái đoàn Chính phủ và Bác Hồ đi chậm 25 phút vì phải đi qua dòng người phủ kín các ngả đường. Ai cũng muốn được nhìn xem Bác Hồ bằng xương, bằng thịt thề nào. “Đồng bào ban đầu nghĩ cụ là người cao, bệ vệ, béo tốt, ăn mặc lịch sự nhưng mọi người đều bất ngờ khi có một cụ già bước ra, ngoại hình gầy gò, gian khổ mặc quần áo kaki vàng đã cũ, không thắt cà vạt như trí tưởng tưởng ban đầu. Tôi rất xúc động vì cảm nhận được rằng Nguyễn Ái Quốc là người bôn ba, gian khổ. Tuy nhiên, tiếng nói lại sang sảng, thu hút người nghe hướng về” – ông Nguyễn Tiến Hà chia sẻ.
Sức mạnh của đoàn kếtSau những thời khắc lịch sử của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, hầu hết Đoàn viên Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cho đến ngày thống nhất đất nước, trở về quê hương, các chiến sĩ cách mạng thành Hoàng Diệu đã tiếp tục hăng hái lao động, sản xuất, góp phần xây dựng quê hương.
|
Phó Trưởng ban thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên thành Hoàng Diệu Nguyễn Tiến Hà ôn lại kỷ niệm về những ngày mùa thu lịch sử. Ảnh: Minh An. |
Học tập thế hệ đi trước, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, tuổi trẻ Thủ đô đã đoàn kết, tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khắp các nẻo đường, ngõ nhỏ hãy nơi tuyến đầu chống dịch, màu áo xanh của tuổi trẻ Thủ đô đã có mặt ngay từ những ngày đầu, thể hiện tinh thần xung kích tình nguyện bằng rất nhiều việc làm hoạt động thiết thực, góp phần chung tay cùng thành phố vượt qua đại dịch. Trong đó có thể kể đến việc Thành đoàn Hà Nội triển khai nhiều chương trình xung kích như: “Siêu thị mini 0 đồng”, “Tiếp sức sinh viên vượt qua Covid-19”, “Hỗ trợ tâm dịch. Những việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” ấy của thanh niên Thủ đô đã góp phần chung tay giúp những người có hoàn cảnh khó khăn cùng nhau vượt qua đại dịch, ổn định cuộc sống.
|
Tài liệu tuyên truyền về Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 do ông Nguyễn Tiến Hà lưu giữ. Ảnh: Minh An. |
Nhấn mạnh sức mạnh của sự đoàn kết, tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc thành Hoàng Diệu Nguyễn Tiến Hà chia sẻ: “Sau Cách mạng tháng Tám, chúng tôi đã rút kinh nghiệm, trên mọi mặt trận đều phải huy động, phát huy được sức mạnh, tinh thần đoàn kết của toàn dân. Tôi rất tự hào về những việc làm của tuổi trẻ, của các đoàn viên thanh niên Hà Nội trên tinh thần đùm bảo, chia sẻ, dám làm trong cuộc chiến chống Covid-19 lần này. Họ đã biết tiếp nối truyền thống của cha anh, khiến chúng tôi tự tin rằng họ sẽ là một phần quan trọng giúp cuộc chiến chống Covid-19 của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sớm thành công”.
Nhìn lại quá khứ và kết nối đến hiện tại có thể thấy, 76 năm trôi qua, những bài học về Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn còn nguyên giá trị. Đó là giá trị về tinh thần yêu nước, ý chí tinh thần luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Ý chí quật cường ấy đến nay vẫn được thế hệ trẻ Thủ đô tiếp nối.