Kỳ vọng còn bỏ ngỏ

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2 tại Hà Nội đã kết thúc với những kỳ vọng còn bỏ ngỏ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un của CHDCND Triều Tiên cùng đi dạo và nói chuyện trong khuôn viên khách sạn Métropole sáng 28/2.
Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kết thúc hai ngày thượng đỉnh mà không đạt được thỏa thuận mới nào. Theo chuyên gia Akira Kawasaki thuộc Ủy ban quốc tế về Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân: "Chúng ta cần một kế hoạch thực sự bắt nguồn từ cộng đồng quốc tế và các hiệp ước cụ thể như Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên có thể tham gia ngay lập tức để bắt đầu quá trình giải giáp vũ khí hợp pháp”.

Trong khi đó, Van Jackson, tác giả cuốn sách "On the Brink: Trump, Kim and the Threat of Nuclear War" (Trên bờ vực: Trump, Kim và Mối đe dọa Chiến tranh hạt nhân) cho rằng Washington đáng lẽ nên đợi thêm một thời gian nữa trước khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội. Theo Jackson, chính quyền của ông Trump nên kiên nhẫn cho đến khi đặc phái viên về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên Steve Biegun đạt được một số tiến bộ trên bàn đàm phán.

"Đó là lý do tại sao anh không thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo tách rời khỏi các cuộc đàm phán thực sự. Kể cả khi hội nghị thành công theo định nghĩa của chính quyền Trump" - Jackson nhận định "nó vẫn thất bại trong việc giải quyết kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đây là vấn đề đã không được đem ra thảo luận trong mấy tháng vừa qua".

Theo chuyên gia này, sau khi Washington và Bình Nhưỡng không đạt được một tuyên bố chung ở Hà Nội và Tổng thống Trump nói "không vội vàng" trong việc thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa, chính quyền của ông Trump "dường như đã không đạt được nổi những thỏa thuận rất thấp".

Trong khi đó, Joel Pollak - Biên tập cấp cao tại Breitbart News - quan điểm đó đang thể hiện một sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật đàm phán. Ông Pollak nhận định, không có thỏa thuận nào sẽ là tốt hơn một thỏa thuận xấu, trong khi một thỏa thuận tốt sẽ đòi hỏi sự sẵn sàng "bỏ đi" nếu đối tác nhất quyết không nhượng bộ.

Leonid Petrov - chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia bình luận rằng đã lường trước kết quả này. "Người Mỹ chưa sẵn sàng chấm dứt chiến tranh và Triều Tiên chưa sẵn sàng đầu hàng. Một vực sâu khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế cay đắng".

Từ những “người đứng ngoài”

Tại một cuộc họp báo thường kỳ sau Hội nghị Thượng đỉnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết một nghị quyết về bán đảo Triều Tiên không thể đạt được “chỉ trong một đêm”. Ông Lục cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng để tiếp tục đóng một vai trò mang tính xây dựng và hy vọng cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục.

Ông Mintaro Oba - cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên cho rằng, một thỏa thuận tất nhiên là điều bất kỳ nhà quan sát nào kỳ vọng từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này, tuy nhiên vẫn cần phải quan sát thêm để hiểu rõ ý nghĩa của việc này. “Trung Quốc có thể tác động đến sự kiện này hơn tưởng tượng” - ông Oba nói. “Trung Quốc có thể tạo ảnh hưởng bằng cách thể hiện rõ sự ủng hộ công khai cho Triều Tiên hoặc thay vào đó là đặt áp lực để Triều Tiên phải linh hoạt hơn nếu Bắc Kinh cho rằng Triều Tiên là lý do chính khiến hội nghị không đạt được thỏa thuận nào… Trung Quốc cũng không mong muốn quá trình ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên đổ vỡ”.

Nội bộ chính trị lục đục ở Washington cũng có thể là một nguyên nhân khiến Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên không đạt được thỏa thuận nào, theo Joseph Yun - cựu quan chức ngoại giao của Mỹ về Triều Tiên. Trước đó, một số bình luận cho rằng đảng Dân chủ sắp lịch cho cựu luật sư của ông Trump là Cohen ra điều trần vào đúng dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã gây bất lợi cho ông chủ Nhà Trắng.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, một trong những “người thua” lớn nhất trong kịch bản này là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bởi trước tình hình này, ông chưa tìm cách nào để tiến lên trong quan hệ với Triều Tiên, đồng nghĩa những dự án kinh tế giữa hai nước cũng bị đình trệ.

Đàm phán có ý nghĩa

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, phóng viên Moon Jeong Jo của hãng tin Bình Nhưỡng Seoul (SPN) khẳng định, kết quả này nằm ngoài dự đoán của mình. “Trước những gì Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump chia sẻ rất niềm nở trước Hội nghị, tôi và nhiều người dân Hàn Quốc cũng đã vẽ ra bức tranh lớn hơn”. Vấn đề có thể nằm ở việc ông Kim muốn đổi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên với nhiều nhượng bộ quá lớn từ ông Trump, trong đó có yêu cầu không triển khai quân đội tới Hàn Quốc. Phóng viên Hàn Quốc cũng bày tỏ kỳ vọng một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3 sẽ diễn ra sớm, có thể là trong năm nay bởi dù sao hai bên vẫn khẳng định có mối quan hệ “ấm áp” và sẽ còn liên hệ với nhau.

Reuters dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) hôm 28/2 cho biết nước này rất tiếc vì Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội, tuy nhiên hai bên đã đạt được tiến bộ tích cực. Trong tuyên bố, Nhà Xanh cho biết ông Trump và ông Kim đã đạt được "tiến triển có ý nghĩa hơn bao giờ hết" và việc Tổng thống Mỹ sẵn sàng tiếp tục đối thoại sẽ làm sáng tỏ triển vọng cho một cuộc gặp khác giữa hai nhà lãnh đạo.

Theo Faras Ghani - Thư ký biên tập của hãng Aljazeera, có nhiều dấu hiệu mâu thuẫn trong hội nghị thượng đỉnh lần này và việc không đưa ra thỏa thuận là nằm ngoài kỳ vọng. Có thể ông Donald Trump mong muốn đặt ra điều gì đó cụ thể, thấy được từ những tín hiệu Mỹ đưa ra trước thềm cuộc gặp. Nhưng những vấn đề trong nước, như phiên điều trần cựu luật sư của ông Trump là Cohen có thể tác động đến Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, chắc chắn trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục ngồi lại bởi như ông Trump nói đây là “bước rời đi” nhưng là “rời đi thân thiện”. Có thể Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Triều Tiên sẽ nối lại liên lạc và đưa ra “lộ trình” cụ thể cho một cuộc gặp thượng đỉnh nữa trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần