Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng gì vào hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ khi Nga không dự?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedohi - Giới chuyên gia nhận định, việc Nga không được mời đến thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine tại Thụy Sĩ tuần này có thể khiến hội nghị diễn ra không thành công.

Khoảng 90 quốc gia đã đồng ý tham dự hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ từ ngày 15-16/6. Ảnh: President.gov.ua
Khoảng 90 quốc gia đã đồng ý tham dự hội nghị hòa bình Ukraine diễn ra tại Thụy Sĩ từ ngày 15-16/6. Ảnh: President.gov.ua

Theo tờ Theconversation, thượng đỉnh hòa bình Ukraine do Thụy Sĩ tổ chức từ ngày 15-16/6 không phải là một hội nghị hòa bình như thường lệ. Nga - một trong hai bên tham chiến, không được mời đến Thụy Sĩ.

Giới quan sát cho rằng bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine đều sẽ không đạt được thỏa thuận cuối cùng nếu không có sự tham gia của Moscow.

Thay vào đó, hội nghị thượng đỉnh Ukraine lần này được xem là cơ hội để Kiev thúc đẩy sự ủng hộ rộng rãi cho điều mà nước này gọi là "con đường hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine". Cụ thể, chính quyền Kiev muốn xây dựng sự nhất trí liên quan đến một số nguyên tắc cơ bản cho thỏa thuận tương lai.

"Công thức hòa bình" 10 điểm được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra lần đầu vào tháng 11/2022 nhấn mạnh đến những tổn thất của Ukraine trong xung đột và đưa ra những cáo buộc về mối nguy hiểm Nga gây ra cho các quốc gia khác.

Nhiều lãnh đạo BRICS vắng mặt

Theo hãng tin Tass, lãnh đạo các nước trong nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ.

Chính phủ các nước Brazil, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ả Rập Saudi và Nam Phi chỉ cử đại diện tham dự sự kiện quan trọng  diễn ra từ ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Buergenstock của Thụy Sĩ.

Trung Quốc, một trong những đồng minh chủ chốt của Nga, cũng sẽ vắng mặt. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này ủng hộ một hội nghị thượng đỉnh hòa bình với sự tham gia của cả Nga và Ukraine.

Theo giới phân tích, sự vắng mặt của Trung Quốc tại Thụy Sĩ lại được xem là thất bại của Kiev trong việc gia tăng sức ép lên Moscow.

Nước chủ nhà Thụy Sĩ cho biết khoảng 90 quốc gia đã đồng ý tham dự trong số 160 quốc gia được mời.

Dự kiến, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo Đức, Italia, Anh, Canada và Nhật Bản sẽ tham dự hội nghị tại Buergenstock.

Chương trình nghị sự quan trọng nhất

Chính quyền Kiev cho biết sẽ ưu tiên vấn đề an toàn hạt nhân, an ninh năng lượng, trao trả tù nhân và trẻ em bị trục xuất tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Đây là những vấn đề có triển vọng cao đạt được sự nhất trí giữa các bên. Chính phủ Ukraine cảm thấy họ cần xúc tiến các điểm khác trong “công thức hòa bình” của Tổng thống Zelensky một cách từ từ.

Kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra lần đầu vào tháng 11/2022. Ảnh: Getty
Kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra lần đầu vào tháng 11/2022. Ảnh: Getty

Thụy Sĩ cũng hạ thấp kỳ vọng về những tiến triển lớn có thể đạt được. Nước chủ nhà thượng đỉnh hòa bình Ukraine đã đề xuất một hội nghị thứ hai nếu cần thiết trong trường hợp có sự tham dự của Nga.

Một mục tiêu chính khác tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần này là tăng cường sự ủng hộ cho ý tưởng rằng, bất kỳ thỏa thuận nào đều phải đưa đến sự khôi phục biên giới được công nhận của Ukraine.

Để đạt được điều này, Kiev đã dẫn ra Điều 2 Hiến chương Liên Hợp Quốc, yêu cầu các nước không sử dụng vũ lực để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác.

Bên cạnh đó, Ukraine cũng xem hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ trong tuần này  như một nỗ lực chống lại các đề xuất của một số quốc gia hoặc cá nhân, ám chỉ Kiev phải chấp nhận mất lãnh thổ vĩnh viễn để đạt bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào. Các vùng lãnh thổ này có thể bao gồm Crimea và vùng Donbass.

Khó đạt đột phá

Phía Nga nhiều lần tuyên bố, việc rút toàn bộ quân khỏi Ukraine không phải ý tưởng khả thi để nối lại đàm phán hòa bình.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự nghi ngại thành công của hội nghị khi Moscow không được mời tham dự. Một số bài báo tiết lộ, tuyên bố dự thảo thậm chí không bao gồm những vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ.

Chuyên gia chính trị Ulrich Schmid thuộc Đại học St.Gallen nói với hãng tin AP rằng Ukraine đang quá tham vọng về thượng đỉnh ở Thụy Sĩ và hòa bình sẽ không khả thi chừng nào Điện Kremlin không thay đổi chính sách đối ngoại của họ.

Về phần mình, Moscow không tin rằng Thụy Sĩ, quốc gia ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow, là một quốc gia trung lập.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/6 tuyên bố: “Nếu không có sự tham gia của Nga, tất cả các cuộc đàm phán sẽ không thể đạt được giải pháp hòa bình ở Ukraine nói riêng, an ninh toàn cầu và châu Âu nói chung”.

Ông Putin nói rằng hội nghị hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ "chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế”.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ngày 14/6 khẳng định, một hội nghị hòa bình cần được cả Kiev và Moscow công nhận mới có thể giải quyết cuộc xung đột hiện tại.

“Chỉ có một hội nghị quốc tế được cả Nga và Ukraine công nhận, như Brazil và Trung Quốc đề xuất, mới có thể đem lại hòa bình cho Kiev” - trang tin UOL dẫn phát biểu của Tổng thống Lula da Silva tại hội nghị thượng đỉnh G7.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn cho rằng cho rằng hội nghị lần này cơ hội để Ukraine thu hút sự chú ý từ cộng động quốc tế sau nhiều tháng dư luận tập trung vào chiến sự Gaza.

Còn trên chiến trường, tình hình chiến sự ngày càng khó khăn hơn đối với Ukraine. Quân đội Nga hiện đang kiểm soát hơn 18% lãnh thổ của Kiev và không ngừng mở rộng về phía Đông.