Đây là cơ sở để Hà Nội hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chọn từ 10 phương án
Phó Trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, ga ngầm C9 có vị trí tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, là khu di tích văn hóa lịch sử quốc gia đặc biệt. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu đã được thực hiện một cách cẩn trọng, đầy đủ các bước theo quy trình, quy định của pháp luật.
Thiết kế hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9 đã được nghiên cứu, xem xét hơn 10 phương án. Tất cả phương án đều tuân theo trình tự xây dựng cơ bản và quy hoạch đô thị. Các kết quả nghiên cứu đều được xin ý kiến tham vấn các bộ, ngành, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư liên quan. “Ban cũng đã tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và người dân” – ông Lê Trung Hiếu nói và cho biết thêm.
Do phương án đề xuất phê duyệt từ năm 2017 có một phần thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong vùng bảo vệ II của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn nên chưa nhận được ý kiến đồng thuận của Bộ VHTT&DL, Ủy ban Khoa học Giáo dục Quốc hội... Do vậy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý ĐSĐT và các cơ quan liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án bố trí ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm đảm bảo đầy đủ cơ sở khoa học, kỹ thuật, mang tính khả thi, giảm ảnh hưởng tới Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm.
Sau rất nhiều nghiên cứu, thảo luận công phu, kéo dài nhiều năm, Ban Quản lý ĐSĐT đã đưa ra 3 phương án. Phương án 1 là nghiên cứu bố trí ga C9 ra ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, đặt bên dưới đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội.
Phương án 2 là giữ nguyên vị trí như phương án ban đầu đã đề xuất phê duyệt từ năm 2017. Ga ngầm C9 nằm ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ hồ Hoàn Kiếm tại phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, phần chính thân ga và cửa lên xuống số 3 nằm trong Vùng bảo vệ II di tích hồ Hoàn Kiếm. Phương án 3 là bỏ ga ngầm C9, hoặc có thể xem xét xây dựng trong tương lai.
Sau khi tiếp thu ý kiến trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành T.Ư liên quan, UBND TP Hà Nội đã đề xuất vị trí ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm theo phương án 1 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ga xếp chồng bốn tầng
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho hay, phương án 1 đã được Thường trực Chính phủ thông qua vào ngày 24/9 vừa qua sau khi điều chỉnh sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, ga ngầm C9 sẽ nằm ở vị trí bên ngoài Vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm; được xây dựng thành ga xếp chồng 4 tầng. Kết cấu thân ga trùng với ranh giới Vùng bảo vệ II, dài 202,4m, rộng 15m, sâu khoảng 31m.
Ga nằm trên đường cong có bán kính 800m, bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội. Ga sẽ được bố trí 2 lối lên xuống ở vị trí như phương án đề xuất ban đầu. Để có đủ không gian bố trí tháp làm mát, hệ thống thông gió cao 13m và phòng máy phát điện... cần phải mở rộng diện tích công trình phụ trợ tại đất của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội lên 705m2 (tăng 260m2 so với phương án đề xuất ban đầu); đồng thời lấy thêm khoảng 25m2 đất của UBND TP Hà Nội để đảm bảo thi công.
Phương án này có ưu điểm là phù hợp với các quy hoạch liên quan, bao gồm cả Quy hoạch phân khu đô thị H1 - B1 (khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận); đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật và công nghệ. Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cũng khẳng định, vị trí ga ngầm C9 tuân thủ đầy đủ pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị liên quan.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh thiết kế ga C9 cũng sẽ khiến chi phí xây dựng tăng thêm hàng trăm tỷ đồng, đồng thời tăng chi phí vận hành, bảo dưỡng trong tương lai. Mặt khác, việc tiếp cận nhà ga của hành khách cũng sẽ không được thuận tiện như phương án ban đầu (đề xuất năm 2017).
Dự án tuyến ĐSĐT số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng là kết nối Sân bay Nội Bài với trung tâm TP và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai. Dự án có chiều dài 11,5km trong đó có 2,6km đi trên cao và 8,9km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, được UBND TP Hà Nội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2054/QĐ - UBND ngày 13/11/2008; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và điều chỉnh dự án tại Công văn số 108/TTg-KTN ngày 12/12/2016.
Tính đến nay, dự án đã kéo dài gần 14 năm, một trong những vướng mắc chính khiến tiến độ chậm trễ là những tranh cãi xung quanh vị trí đặt ga ngầm C9. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Với phương án được duyệt, hy vọng dự án sẽ chấm dứt chuỗi năm tháng đình trệ, nhanh chóng được triển khai để phục vụ Nhân dân Thủ đô”.