Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng vào lần đầu trở lại ASEAN của Tổng thống Mỹ sau 4 năm

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Joe Biden sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ, một hoạt động trong chuỗi đối thoại cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bắt đầu từ hôm nay (26/10).

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters 
Dưới sự chủ trì của nước Chủ nhà ASEAN 2021 Brunei, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39; các Hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các Đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia, và Nga); Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, từ ngày 26 - 28/10.

Với sự góp mặt của Tổng thống Joe Biden, hội nghị đánh dấu sự tham gia của Washington ở cấp cao nhất sau 4 năm. Lần gần nhất Mỹ tham dự hoạt động của ASEAN ở cấp Tổng thống là khi người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, tham dự thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ tại Manila vào năm 2017.

Giới quan sát kỳ vọng, tại diễn đàn ASEAN, Tổng thống Mỹ thứ 26 sẽ tập trung vào việc hợp tác phân phối vaccine Covid-19, biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng. Ông Biden được dự kiến cũng sẽ nhấn mạnh quan điểm của Mỹ, gần đây tập trung vào liên kết với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia theo định dạng QUAQ cũng như thỏa thuật cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực.

Reuters dẫn lời Giám đốc cấp cao về Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Edgard Kagan tuần trước nhấn mạnh, Washington không coi Bộ tứ QUAQ là "một NATO châu Á" như nhiều luận điệu thổi phồng, và không có ý định cạnh tranh với ASEAN.

Trong khi ông Murray Hiebert - chuyên gia cấp cao của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế - cho rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt quan tâm đến bất kỳ kế hoạch nào của Mỹ trong việc tăng cường cung cấp vaccine Covid-19 cho khu vực vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, cũng như cách Washington có kế hoạch tham gia vào thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng hơn nữa.

Chính quyền Tổng thống Biden đến nay chưa đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về kế hoạch quay trở lại khuôn khổ thương mại khu vực mà ông Trump đã rút khỏi vào năm 2017. Việc thiếu yếu tố kinh tế trong cam kết khu vực của Mỹ được cho là một lỗ hổng lớn. "Mảnh ghép quan trọng nhất đối với khu vực chính là cam kết về kinh tế" - một nhà ngoại giao châu Á giấu tên nói với Reuters.