Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lâm Đồng: Kỳ án chiếm đất tại Công ty Giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên

Bài và ảnh Lâm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã nhiều lần giải quyết qua các cấp: Huyện, tỉnh, thanh tra chuyên ngành, thậm chí 2 lần xét xử ở tòa án, với kết quả xác định sai phạm rất rõ ràng, cuối cùng nhà và đất công vẫn bị chiếm giữ trái phép bởi một cá nhân. Vụ việc kéo dài từ năm 2007 tại Công ty CP Giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, thuộc Bộ Lâm nghiệp.

Tiếp xúc với báo chí, các hộ dân theo đuổi khiếu nại hơn 10 năm qua cho biết, hệ quả của việc không xử lý dứt điểm vụ việc trên không chỉ làm mất uy tín của chính quyền địa phương, mất niềm tin của người dân, mà từ đó hàng trăm hecta rừng trên địa bàn đã bị chặt phá đến mất dấu vết.
 Các lô đất mặt tiền Quốc lộ 20 đã bị thu hồi giấy chứng nhận nhưng ông Thông vẫn sử dụng và cho thuê

Nhân viên chiếm đất lâm nghiệp, huyện cấp luôn chủ quyền!

Lật lại hồ sơ vụ án, có thể thấy các chứng cứ rất rõ ràng việc một hộ gia đình chiếm dụng đất và tài sản của trạm giống lâm nghiệp.

Theo đó, ngày 29/8/1988, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định tạm giao 200 hecta đất tại xã Ninh Gia, huyện Di Linh (nay là huyện Đức Trọng) cho Trung tâm Giống Lâm nghiệp Đà Lạt, nay là Công ty CP Giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên.

Năm 1989, Công ty Giống thuộc Bộ Lâm Nghiệp ban hành Quyết định số 498 phê duyệt thiết kế dự toán công trình vườn giống vô tính thông 2 lá số 02, Trạm Giống Di Linh - thuộc Xí nghiệp Giống Lâm nghiệp Đà Lạt. Diện tích thiết kế rộng 9,6 hecta, gồm các hạng mục: Trồng và chăm sóc vườn giống (6,5 hecta); Trồng và chăm sóc hàng rào bảo vệ (1.500m); Trồng và chăm sóc đai cách ly (1,9 hecta); Làm đường (2.000m); Nhà bảo vệ (60m2).

Năm 1990, ông Nguyễn Chí Thông, là công nhân của Trạm giống lâm nghiệp Lanh Hanh, được Trung tâm Giống Lâm nghiệp Đà Lạt ký hợp đồng (số 169) giao khoán trồng và chăm sóc vườn thông 2 lá nói trên.

Chỉ sau 2 tháng ký hợp đồng, ông Thông tự ý xây dựng nhà ở cạnh trục đường chính. Năm 1995, ông Thông xin được trồng xen cây công nghiệp trong vườn giống theo mô hình nông lâm kết hợp (một hàng thông xen một hàng cà phê. Xí nghiệp giống đã đồng ý phê duyệt, đồng thời thanh toán các chí phí vật tư, nhân công và chi phí bảo vệ vườn cho ông Thông.

Năm 2004, vợ ông Thông là bà Trần Thị Liên làm đơn xin cấp quyền sử dụng đất và được UBND xã Ninh Gia xét duyệt thống nhất đề nghị UBND huyện Đức Trọng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 20/9/2005, UBND huyện Đức Trọng đã cấp GCNQSDĐ các thửa số 77, 78, tờ bản đồ số 24, với diện tích 3.822m2 tại xã Ninh Gia cho bà Liên. Trong đó có 400m2 đất ở thuộc thửa số 78.

Sau khi được cấp chủ quyền, gia đình ông Thông, bà Liên đã chặt hạ cây thông và cây muồng đen trên đất.

Phát hiện sự việc, người dân địa phương đã phản ánh lên chính quyền, cho rằng việc cấp đất của Công ty Giống Lâm nghiệp cho gia đình ông Thông là không đúng.

Ngày 30/5/2007, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành quyết định thu hồi hai GCNQSDĐ đã cấp cho bà Liên, vì đất vẫn thuộc quản lý của trạm giống.
Các gốc cây rừng bị ông Thông chặt phá nhưng không ai xử lý trách nhiệm
Loằng ngoằng sai phạm và gian trá

Từ khiếu nại của ông Nguyễn Chí Thông, tháng 11/2007, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng là ông Huỳnh Đức Hòa đã ký Quyết định 3101, trong đó khẳng định việc thu hồi GCNQSDĐ là đúng, nhưng chấp thuận cho gia đình ông Thông tiếp tục sử dụng các lô đất này. Lý do là “hộ ông Thông đã làm nhà và sử dụng ổn định từ năm 1990”, “bản thân ông Nguyễn Chí Thông là thương binh loại A, hạng 3/4” và ngoài diện tích đất trên, hộ ông Thông không còn diện tích đất nào khác”.

Tuy nhiên, qua xác minh của các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Chí Thông có hàng loạt bất động sản khác tại địa phương. Cụ thể là 3.692m2 (có 400m2 đất ở) và 8.900m2 thuộc 9,6 hecta đất của vườn giống vô tính thông 2 lá số 02. Ngoài ra, còn sử dụng, thu hoạch cà phê trên diện tích 8,7 hecta đất nhận khoán quản lý bảo vệ vườn giống. Ông Thông cũng có hơn 3.000m2 đã sang nhượng cho người khác vào năm 1997.

“Việc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay ngoài diện tích đất thuộc thửa 77, 78 từ bản đồ số 24, xã Ninh Gia, thì gia đình ông Nguyễn Chí Thông không còn diện tích đất nào khác và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất của Công ty CP Giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên giao cho UBND huyện Đức Trọng quản lý và làm thủ tục giao cho gia đình ông Nguyễn Chí Thông là không đúng”, UBND tỉnh Lâm Đồng nêu trong Quyết định số 2903, ngày 5/11/2008.

Liên quan sự việc này, tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo họp kiểm điểm đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường vì sai phạm trong quá trình xác minh đơn ông Thông. Năm 2010, UBND tỉnh Lâm đồng có văn bản 4002, trong đó yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý kiểm điểm trách nhiệm những cán bộ có liên quan trong việc tham mưu sai nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh. Văn bản này cũng yêu cầu Công ty Giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên buộc ông Nguyễn Chí Thông bồi thường giá trị 22 cây muồng đen và 1 cây thông mà ông Thông đã chặt hạ trên diện tích đất nhận khoán.

Tháng 9/2013, xét xử phúc thẩm theo đơn ông Nguyễn Chí Thông khởi kiện UBND huyện Đức Trọng về việc thu hồi GCNQSDĐ, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định việc UBND huyện Đức Trọng cấp quyền sử dụng cho hộ bà Liên trên đất của trạm giống lâm nghiệp là không đúng quy định của pháp luật; do vậy, việc cơ quan này thu hồi lại các GCNQSDĐ đã cấp sai là đúng. Từ đó, tòa bác đơn kiện của ông Nguyễn Chí Thông.

Còn về vấn đề xét gia đình chính sách, Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xác định hồ sơ xin hưởng chế độ trợ cấp thương binh của ông Nguyễn Chí Thông là giả mạo, đã đình chỉ việc chi trả trợ cấp đối với ông Thông. “Yêu cầu Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi và thu hồi quyền lợi đã hưởng sai quy định pháp luật đối với ông Nguyễn Chí Thông”, Bà Đàm Thị Minh Thu - Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH nêu rõ trong công văn số 932, ban hành tháng 12/2019.
 Khu vực trồng giống cây lâm nghiệp hiện chỉ còn cà phê
Vẫn không thể thu hồi tài sản công

Bà Trần Thị Nhu, một người dân theo đuổi khiếu nại vụ ông Nguyên Chí Thông chiếm đất của đơn vị lâm nghiệp từ năm 2007, cho biết trong phần đất ông này đang chiếm dụng có nhiều diện tích của bà con khai hoang từ thập niên 70 nhưng chưa được bồi thường khi tỉnh lấy giao cho lâm nghiệp. Nay thấy một hộ dân chiếm dụng kéo dài và có dấu hiệu sang nhượng, họ cảm thấy lo lắng và tổn thương.

“UBND tỉnh đã có văn bản xác nhận các khiếu nại của tôi là đúng. Các cấp chính quyền và tòa án cũng đã làm rõ hành vi chiếm đất và chặt phá cây rừng của ông Thông. Vậy mà đã hơn 10 năm trôi qua, không có đơn vị nào đứng ra thu hồi đất hay xử lý vi phạm của người này. Sự việc này dẫn đến một hệ quả lớn, đó là cả trăm hecta cây rừng trên địa bàn bị chặt phá”, bà Nhu nói.

Đúng như phản ánh của bà Nhu, chúng tôi đi tìm hiểu thực tế tại hiện trường các lô đất từng được cấp GCNQSDĐ sai, thì thấy gia đình ông Nguyễn Chí Thông đang sử dụng căn nhà nguyên là nhà bảo vệ của Trạm giống, phần còn lại làm nhà tiền chế cho thuê kinh doanh tạp hóa và vựa cây giống cà phê.

Trong khi đó, gần 10 hecta đất mà trước đây ông Thông xin trồng xen canh cây cà phê thì nay chỉ còn mỗi cà phê và cây ăn trái. Toàn bộ cây rừng như thông, muồng đen… đã biến mất.

Bà Trần Thị Bông (thôn Hiệp Hòa, xã Ninh Gia) cũng nêu búc xúc: “Ông Thông chỉ là người được thuê bảo vệ chăm sóc cây giống mà lại được cấp sổ đỏ rồi giao sử dụng hàng chục năm. Đất chúng tôi khai hoang từ những năm 1975 – 1977 thì không có ai bồi thường hay cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Chúng tôi mong việc này không chỉ dừng lại ở việc làm sáng tỏ, mà phải xử lý dứt điểm những cái mà nhiều cấp, ngành đã dày công làm cho sáng tỏ theo khiếu nại của người dân”.