Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về vấn đề này.
Nhiều kẽ hở pháp lý
Thưa ông, hiện nay tình trạng đầu cơ nhãn hiệu để trục lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Gần 20 năm trước, cafe Trung Nguyên đã nhận được bài học xương máu, khi buộc phải mua lại thương hiệu của chính mình với số tiền lớn để tiếp tục quá trình chinh phục thị trường Mỹ. Hay gần đây, câu chuyện về sản phẩm gạo ST25 bị chiếm đoạt nhãn hiệu ở nước ngoài như một “hồi chuông cảnh báo” với các DN Việt Nam, trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài. Đặc biệt, mới đây một cá nhân cư trú tại TP Hồ Chí Minh nộp gần 200 đơn đăng ký nhãn hiệu, trong đó đa số là nhãn hiệu nổi tiếng lâu đời ở nhiều nước trên thế giới.
Nguyên nhân chính của hiện tượng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu là sự chậm trễ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nhiều DN. Trên thực tế, hầu hết nhãn hiệu bị chiếm đoạt thường có danh tiếng và chỗ đứng nhất định trên thị trường. Do vậy, các đối tượng thường muốn lợi dụng để bán sản phẩm của mình dưới danh nghĩa các nhãn hiệu này, hoặc đầu cơ trục lợi bằng cách bán lại nhãn hiệu cho chủ sở hữu đích thực...
Bên cạnh đó, lỗ hổng pháp lý cũng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiện tượng này. Việc lạm dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên - một cơ chế cho phép cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn sớm nhất, kể cả người đó có dụng ý xấu/động cơ không trung thực dẫn đến nạn đầu cơ nhãn hiệu hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu, đánh cắp tài sản trí tuệ.
Ông có thể chỉ ra những kẻ hở pháp lý để các đối tượng có thể thực hiện hành vi này?
- Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chí xác định “dụng ý xấu/không trung thực” trong đăng ký nhãn hiệu. Do vậy, các phán quyết trong vụ phản đối hay hủy bỏ nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ trở nên khiên cưỡng do thiếu những chế định cụ thể về “Dụng ý xấu”. Sự thiếu vắng này là nguyên nhân bùng phát nạn đầu cơ nhãn hiệu để trục lợi bất chính.
Ngoài ra, việc lạm dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” dẫn đến nạn đầu cơ nhãn hiệu hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu, đánh cắp tài sản trí tuệ. Rõ ràng, nguyên tắc “First-to-file” đã và đang bị bên thứ 3 lợi dụng để đăng ký chiếm đoạt nhãn hiệu của chủ nhãn hiệu đích thực. Hệ quả là, nhiều chủ nhãn hiệu phải mua lại nhãn hiệu của chính mình hoặc buộc phải rời bỏ thị trường tiềm năng.
Vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay đang quy định về “dụng ý xấu/động cơ không trung thực” như thế nào, thưa ông?
- Mặc dù hiện tượng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu (Bad - Faith) đã xảy ra khá lâu, tuy nhiên thuật ngữ pháp lý này lần đầu tiên được bổ sung vào Điều 96 và Điều 117 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 của Việt Nam. Việc bổ sung thuật ngữ này nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng nguyên tắc “first-to-file”, và kiểm soát một cách hiệu quả nạn đầu cơ nhãn hiệu, hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu, đánh cắp tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên, do việc xác định động cơ không trung thực của người nộp đơn không thuộc phạm vi tiêu chuẩn bảo hộ, mà chỉ thuộc phạm vi quyền đăng ký, dẫn đến nhiều trường hợp người nộp đơn mặc dù vẫn đáp ứng đủ điều kiện về quyền đăng ký, nhưng quyền đăng ký này có được do sự không trung thực/dụng ý xấu của người nộp đơn.
Do khái niệm ''không trung thực'' trong quy định hiện nay chưa thể hiện rõ động cơ không trung thực/ý đồ xấu trong các hoạt động đầu cơ kiểu này, và khái niệm này được đặt ở phần về thời hiệu yêu cầu hủy bỏ, dẫn đến việc áp dụng quy định trên vào thực tế còn khiên cưỡng và không rõ ràng về căn cứ.
Luật cần quy định chặt chẽ hơn
Pháp luật Việt Nam cần điều chỉnh như thế nào để giảm thiểu tình trạng nộp đơn không trung thực, thưa ông?
- Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí đánh giá “không trung thực”. Vì vậy, cần có các quy định rõ ràng về vấn đề này để chủ sở hữu có thể dựa vào để cung cấp những tài liệu chứng minh cũng như cơ quan chức năng thống nhất, thuận tiện trong quá trình giải quyết phản đối đơn và huỷ bỏ văn bằng.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam có quy định về trường hợp nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực trên cơ sở “Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn 5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất 3 tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực” tại điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ. So với việc chứng minh “không trung thực” thì việc chứng minh “không sử dụng” có thể thuận tiện hơn, nhưng quá trình này vẫn gây ra tốn kém về thời gian và chi phí thực hiện.
Do đó, pháp luật Việt Nam cũng nên cân nhắc việc yêu cầu nộp bằng chứng sử dụng trên thực tế như tại một số quốc gia hiện nay như Mỹ, Philippines… Trong trường hợp không nộp được bằng chứng sử dụng trên thực tế thì nhãn hiệu sẽ ngay lập tức bị chấm dứt hiệu lực thay vì chờ bên thứ ba nộp yêu cầu chấm dứt.
Theo ông, chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu nên làm gì để bảo vệ tài sản của mình và ngăn chặn hành đầu cơ nhãn hiệu?
- Việt Nam là quốc gia tuân theo nguyên tắc “First to file” - “ai nộp đơn trước người đó có quyền”, nên để tránh trường hợp bị đăng ký trên cơ sở thiếu trung thực và quá trình phản đối/huỷ bỏ tốn kém cả thời gian, tiền bạc, chủ sở hữu nhãn hiệu cần tiến hành đăng ký sớm nhất có thể. Để cẩn trọng hơn, trong quá trình chuẩn bị ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu, chủ sở hữu cần đảm bảo các bên có thể được biết đến nhãn hiệu phải ký cam kết bảo mật thông tin, hoặc các hợp đồng với mình để có căn cứ chứng minh về việc biết đến nhãn hiệu trong trường hợp tranh chấp xảy ra.
Bên cạnh đó, nếu nhãn hiệu chưa được đăng ký thì chủ sở hữu cần theo dõi chặt chẽ công báo sở hữu trí tuệ, để có thể phát hiện kịp thời nhãn hiệu của mình có bị đăng ký bởi một bên khác hay không. Nếu nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu có thể tiến hành nộp đơn phản đối yêu cầu không cấp văn bằng cho đơn đăng ký đó. Nếu nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, các chủ sở hữu thực sự sẽ phải nộp yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu. Thực tế việc theo đuổi yêu cầu hủy bỏ sẽ tốn kém và mất thời gian hơn nhiều so với một việc phản đối đơn.
Xin cảm ơn ông !