Không chỉ riêng vụ cháy này, Hà Nội còn xảy ra nhiều vụ cháy tương tự, như cháy tầng 2 tòa nhà cao tầng phố Trường Chinh, cháy chung cư phố Nguyễn Chánh, cháy siêu thị điện máy Xuân Mai, cháy xưởng gỗ Khu công nghiệp Ngọc Hồi… thiệt hại nhiều tỷ đồng. Đó là cháy nhà, còn cháy phương tiện ô tô, xe máy đang lưu thông trên đường, hàng năm trời điều tra, nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Không mô tả kỹ từng vụ cháy nữa, bởi điều đó đã có trong hàng trăm bài báo trong cả nước, mà chỉ xin bàn đến những việc cần làm ngay để ngăn chặn tình trạng này. Có 3 điều nguy hiểm trong các vụ cháy là người không có đường thoát, không có điều kiện thuận lợi để dập lửa, không có kỹ năng đề phòng. Cả ba điều này, Hà Nội đều vướng. Nguyên nhân có nhiều, hệ thống pháp luật chưa được đề cao, ý thức của người dân về phòng cháy chữa cháy (PCCC) còn hạn chế và nhiều lý do khác, nhưng nổi cộm hiện nay là thiếu người có chuyên môn cao, thiếu vốn mua thiết bị hiện đại.
Về thiết kế, nhất là khi chuyển đổi công năng sử dụng, phần lớn các công trình đều không chú ý tới PCCC. Kiểm tra 100 công trình, thì 70 công trình không đạt yêu cầu về thiết kế ban đầu, thiết kế sửa chữa, các lối thoát, biển hiệu cấp cứu, các phương tiện PCCC. Thường khi xây dựng, chủ đầu tư có một bản thiết kế xin cấp phép PCCC nhưng bên cạnh đó có một bản thứ hai dùng thi công. Hai bản khác nhau, nhất là các quy định về lối thoát, biển báo… khi có cháy, ban công hẹp hơn, phòng nhiều hơn để có lợi cho chủ đầu tư, nhưng không ai kiểm tra, nhà vẫn được xây, giấy phép vẫn cấp. Đối với các nhà chuyển đổi công năng sử dụng, việc thực thi pháp luật về PCCC còn lỏng lẻo hơn. Còn đối với chợ, gần đây thường xảy ra cháy, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Phần lớn các vụ cháy đều bị nghi do nguyên nhân chập điện, bất cẩn trong sử dụng điện. Nhưng từ đó đến nay chưa một lần ngành điện, các ngành chức năng, chính quyền địa phương có ý kiến về vấn đề này. Các phương tiện truyền thông chỉ cần thông báo “nguyên nhân cháy đang được điều tra làm rõ”, việc thực thi pháp luật thế là xong?Về điều kiện PCCC, do còn nghèo hoặc do chưa chú ý, các loại phương tiện chữa cháy cho các nhà cao tầng, cho các nhà trong hẻm thiếu nghiêm trọng. Trung bình khi được báo cháy, lực lượng PCCC phải 15 phút đến nửa tiếng sau mới tiếp cận được nơi có hỏa hoạn. Nhiều trường hợp cháy trong ngõ nhỏ, cháy tầng cao của chung cư, cảnh sát PCCC bó tay, không đưa được xe cộ, ống nước, thang cấp cứu… vào hiện trường. Không thể thay đổi đường ra vào các khu dân cư vì mục đích PCCC, nhưng làm sao để có thể PCCC có hiệu quả ở những phố cũ, phố cổ thì chưa tính ra. Ấy là chưa kể hễ có vụ cháy là dân đứng xem vì hiếu kỳ, tò mò gây tắc đường, tắc phương tiện. Trong khi tiền ít, nên chăng xã hội hóa khâu mua sắm phương tiện hiện đại, việc PCCC trở thành nghề kinh doanh, cả phía DN và nạn nhân các vụ hỏa hoạn đều đồng tình, tại sao không?Về ý thức PCCC, có thể nói là rất kém, dù đây là yếu tố ngăn chặn hàng đầu. Khi có vụ cháy, người đi đường và người xung quanh đứng xem một cách vô cảm. Khối phố hầu như bỏ quên không nhắc nhở hoặc trong các báo cáo, không bao giờ phát hiện còn thiếu nước, thiếu phương tiện PCCC ở nơi công cộng hoặc các công trình, trụ sở. Qua các vụ cháy ở Hà Nội gần đây, trên 80% không chữa được kịp thời vì thiếu họng nước, hoặc có họng nước, bể nước thì thiếu nước dự trữ. Việc báo cho lực lượng PCCC cũng chậm chạp, thiếu chuyên trách, không rõ ràng. Việc thực tập PCCC tuy đã có ở các khối phố nhưng kịch bản cũ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật mới, phương tiện mới nên không có tác dụng nhiều khi hỏa hoạn xảy ra.Hỏa hoạn trong thời hiện đại khi đã xảy ra, rất khó hạn chế thiệt hại. PCCC là biện pháp ít tốn kém nhưng đòi hỏi vốn và trình độ chuyên môn cao. PCCC lại là những việc của đời sống thường ngày, không cần Nhà nước tham gia. Vì vậy, để chủ động trong việc PCCC, nên từ bỏ tư duy bao cấp, tiến tới xã hội hóa rộng rãi, coi đó là một ngành kinh doanh, cả DN và người dân cùng có lợi.