Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm rõ việc Bộ trưởng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm tiếp công dân

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chính phủ phải làm rõ việc người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân…

Ngày 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe các báo cáo về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn

Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp 4.987 lượt người đến khiếu nại, tố cáo

Báo cáo về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 4.987 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 4.608 vụ việc và có 234 lượt đoàn đông người.

Qua tiếp công dân, các cơ quan đã ban hành 1.092 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản đối với 295 đơn; trực tiếp giải thích, thuyết phục, vận động 3.221 lượt công dân chấp hành các bản án, kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ quan đã nhận được 32.212 đơn thư của công dân gửi đến, tăng 1.033 đơn so với năm 2023. Qua nghiên cứu 9.676 đơn đủ điều kiện xử lý, đã chuyển 4.216 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời công dân đối với 1.384 đơn; tiếp tục nghiên cứu 534 đơn và lưu theo dõi 23.960 đơn. Qua nghiên cứu nội dung đơn thư của công dân và kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các cơ quan đã thực hiện các hoạt động giám sát việc giải quyết đối với 252 vụ việc.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trong đó, có 178 vụ việc đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng; nhiều vụ việc, vấn đề bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện thông qua các hoạt động giám sát chuyên đề; tổ chức phiên giải trình để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Các cơ quan hành chính đã giải quyết 27.147 vụ việc khiếu nại, tố cáo

Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đối với kết quả tiếp công dân, các cơ quan hành chính đã tiếp 363.245 lượt người về 290.497 vụ việc, có 3.687 đoàn đông người.

Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính đã xử lý 471.229/480.233 đơn tiếp nhận, đạt 98,1%; có 384.135 đơn đủ điều kiện xử lý. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính đã giải quyết 27.147 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 81,4%.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Ảnh: Quochoi.vn

Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc rà soát, giải quyết dứt điểm 1.003 vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Kết quả đã kiểm tra, rà soát 806/1.003 vụ việc (80,4%), còn 197 vụ việc (19,6%) các địa phương chưa có kết quả kiểm tra, rà soát.

Tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức chưa được khắc phục

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, năm 2024, công tác tiếp công dân có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, đạt kết quả tích cực.

Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp tiếp công dân ở một số địa phương, được nhân dân và chính quyền địa phương đánh giá cao.

So với năm 2023, công dân trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm cả 3 tiêu chí (giảm 7,2% về số lượt, 7,3% về số người và 1,5% về số vụ việc); số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ giảm 16,8%, đến các Bộ, ngành giảm mạnh 39,6%. Việc trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (92%), tiếp theo là cấp huyện (85%) và cấp tỉnh (81%); tuy nhiên, đối với cấp Bộ thì chỉ đạt 48%.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cáo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn  
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày cáo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn  

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, năm 2024 các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 480.233 đơn, tăng 6%; đã xử lý 471.229 đơn, chiếm tỷ lệ 98,1%. So với năm 2023, số đơn do các cơ quan tiếp nhận đều tăng. Tuy nhiên, trong số đơn đã được xử lý, số đơn có đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ 80% (năm 2023 là 76,8%), trong đó ở Thanh tra Chính phủ là 99,5%, ở Bộ, ngành là 60%, ở địa phương là 84,3%. Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến gia tăng số lượng đơn tiếp nhận thuộc trách nhiệm xử lý của các Bộ, ngành nhưng số đơn đủ điều kiện xử lý lại có tỷ lệ thấp hơn nhiều so với ở địa phương để từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.

Về kết quả giải quyết tố cáo, Ủy ban Pháp luật cho rằng, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực trong công tác giải quyết tố cáo, đã giải quyết 85,6% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền, cao hơn mục tiêu “đạt tỷ lệ trên 85%” mà Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, số đơn tố cáo tăng cao 39,1% và số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 12,4% cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ vẫn còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm, năng lực xử lý của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hạn chế này để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.

Về kết quả giải quyết, số tố cáo có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 34,6%, tăng mạnh so với năm 2023 (23,2%) cho thấy, tình hình sai phạm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức chưa được khắc phục, thậm chí có phần còn nặng nề hơn...