Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làm sạch quảng cáo số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan quản lý đã, đang và sẽ triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu trên môi trường quảng cáo số. Đây là hoạt động cần thiết trong quá trình làm trong sạch môi trường mạng của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, quảng cáo số đã phát triển nhanh chóng ở
Việt Nam nhờ khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, các thương hiệu lại phải đối diện với nhiều nguy cơ khi quảng cáo của mình được hiển thị cùng các nội dung nhảm nhí, phản cảm hoặc thậm chí là chống phá Nhà nước hoặc vi phạm pháp luật.

Không chỉ vậy, lợi dụng tính xuyên biên giới, nhiều cá nhân, tổ chức đã sẵn sàng thực hiện các nội dung độc hại để kiếm tiền từ quảng cáo trực tuyến. Từ đó tiếp tay cho tình trạng tin giả, tin xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng, thậm chí không ít trong số này là hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Trước tình trạng trên, từ cuối năm 2022, Bộ TT&TT đã có nhiều biện pháp nhằm bảo vệ người dùng cũng như thương hiệu trên môi trường quảng cáo trực tuyến. Một trong số đó là công bố danh sách nội dung “đã được xác thực” (Whitelist) và nội dung “đen” (Blacklist) nhằm đưa ra danh sách về những nhãn hàng, đại lý quảng cáo, website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng… và khuyến cáo các tổ chức, DN có hoặc không hợp tác quảng cáo với những đối tượng này.

Tính tới thời điểm hiện tại, danh sách Whitelist đã có 301 báo, tạp chí điện tử, 1.381 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 mạng xã hội với đầy đủ thông tin về cơ quan cấp phép, số giấy phép, đơn vị được cấp phép, cơ quan chủ quản cũng như tên miền website. Đây đều là những địa chỉ uy tín để các thương hiệu hợp tác quảng cáo. Ở chiều ngược lại, tính đến hết 2023, danh sách Blacklist đã có 403 địa chỉ vi phạm, tăng mạnh từ con số 171 của năm trước đó. Trong đó nổi bật là các cái tên như 1*bet.com, 1*bet88vn.net, thethao**.org, fb88***.com hay king368*.com … Đây đều là những trang web cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng…

Ngoài việc công khai các danh sách trên, Bộ TT&TT khuyến nghị các DN xem xét lựa chọn quảng cáo trong danh sách Whitelist, đồng thời không tiến hành hợp tác với những địa chỉ xuất hiện trong Blacklist nhằm bảo đảm an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh. Được biết, vào hồi tháng 3/2023 vừa qua, Công ty TNHH Truyền thông MMS Việt Nam đã bị phạt hành chính 15 triệu đồng vì quảng cáo trên kênh YouTube sai phạm. Theo đó, DN này đã đặt quảng cáo của các nhãn hàng L’oréal, Mirinda và Boss Coffee vào các kênh mạng xã hội YouTube ViệtxxKTV và Chính sựxx có nội dung vi phạm pháp luật, được quy định tại Luật An ninh mạng.

Như Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do đã khẳng định, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp khác nhau để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo số lành mạnh, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam nói chung. Các DN, nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, giữ gìn uy tín thương hiệu.